Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 2 TTHC liên thông khai sinh, khai tử
(BĐ) - UBND tỉnh vừa ban hành báo cáo đánh giá, phản hồi kết quả khắc phục khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 2 nhóm thủ tục hành chính (TTHC) liên thông: “Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi” (gọi tắt là khai sinh) và “Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hỗ trợ chi phí mai táng/trợ cấp mai táng” (gọi tắt là khai tử) trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, có 159/159 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông khai sinh, khai tử. Kết quả triển khai từ tháng 7.2023 đến nay, Bình Định luôn là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đối với 2 nhóm thủ tục này.
Về khó khăn, vướng mắc, nổi bật là hệ thống phần mềm liên thông vẫn còn tình trạng đăng nhập chậm. Nhiều trường hợp chỉ có CMND, không có CCCD thì không thể nộp thủ tục liên thông về đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất (trợ cấp tuất và trợ cấp mai táng)/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí. Khi việc đăng ký khai sinh cho trẻ đã hoàn thành và phát hành, hệ thống tự chuyển cho CA và BHXH, nhưng đôi lúc CA và BHXH chậm nhận được thông tin hồ sơ và ngược lại (phải có thời gian chờ).
Đối với người chết là chủ hộ, khi thân nhân của người chết đến UBND cấp xã để thực hiện TTHC liên thông khai tử - xóa đăng ký thường trú, công chức Tư pháp thực hiện cấp Giấy chứng tử bình thường. Tuy nhiên, khi công chức Tư pháp gửi Giấy chứng tử trên hệ thống đến CA cấp xã thì CA cấp xã không thực hiện xóa đăng ký thường trú được, vì trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không cho xóa hộ khẩu thường trú đối với chủ hộ (trừ trường hợp xóa cả hộ)...
M.LÂM