Về vấn Đề dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường: Nên khách quan, công tâm hơn !
Vấn đề học thêm, dạy thêm đang được dư luận xã hội quan tâm, nhất là sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ÐT Nguyễn Kim Sơn đồng tình với đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý tiêu cực bên ngoài trường học. Qua ghi nhận, dư luận trong tỉnh cho rằng, cần xem xét việc này từ nhiều phía, bằng cái nhìn khách quan, công tâm.
Học thêm là nhu cầu có thật
Từ ngày 7.10 - 15.11, Sở GD&ĐT tổ chức đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và huyện Tuy Phước. Sau đó, Sở đã thông báo kết quả kiểm tra, với một số sai phạm được chỉ ra. Dù vậy, theo nhiều phụ huynh, kết quả này chỉ phản ánh một phần thực tế và vẫn “rất nặng tính hành chính”, khi được triển khai trong một khoảng thời gian, ở một số địa phương nhất định. Bởi, nhu cầu học thêm là có thật.
Những hoạt động giáo dục kết hợp chính khóa và ngoại khóa sẽ giúp học sinh khắc sâu kiến thức.
-Trong ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Quốc Việt (Quy Nhơn) tham quan Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo. Ảnh: N.T
Chị Nguyễn Thị Mai Phương ở TP Quy Nhơn cho biết, thời gian Sở đi kiểm tra, thay vì đến nhà cô, nhóm học thêm của con chị chuyển sang học trực tuyến; chờ đến khi Sở hết kiểm tra lại đến nhà cô học tiếp. “Con gái tôi đang học lớp 11, cháu và một số bạn muốn nhờ cô hỗ trợ thêm kiến thức trong tổ hợp môn thi đại học, để có thể vững vàng bước vào trường đại học mà cháu mong muốn”, chị Phương chia sẻ.
Khi được hỏi sao không đăng ký mở lớp dạy thêm tại nhà, cô giáo dạy con chị Phương cho biết, diện tích phòng học ở nhà không đảm bảo theo quy định, còn đến trung tâm dạy thêm thì sĩ số học sinh khá ít, lại bất tiện hơn so với dạy ở nhà.
“Hiện tại, dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vừa có ưu điểm nhưng cũng có rất nhiều nhược điểm. Muốn giải quyết chuyện này, phải nghiên cứu kỹ các ưu điểm, nhược điểm, đưa ra giải pháp phát huy cái tốt, khắc phục cái nhược để môi trường giáo dục Việt Nam lành mạnh và thực chất. Muốn như thế thì học tập kinh nghiệm các nước, nhất là những nước có nền giáo dục tiên tiến như Pháp, Nhật Bản... Phương châm giáo dục ngày xưa biến quá trình học thành quá trình tự học. Học đi đôi với hành, lý luận phải gắn liền với thực tiễn, giáo dục thì phải đào tạo toàn diện đức, trí, thể, mỹ. Đó là những thành tựu của nhân loại, bao thế hệ đã vận dụng rất sâu sắc việc này.
Vậy nên, ngành GD&ĐT phải khẳng định rõ ràng phương châm giáo dục của mình. Hãy đưa ra một chiến lược để giải quyết căn cơ, bởi suy cho cùng, đối tượng chính của giáo dục là thế hệ trẻ của đất nước...”.
TS NGUYỄN TẤN HIỂU - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy
Một số phụ huynh có con học cấp THCS cho rằng, ngành GD&ĐT cứng nhắc khi đưa ra quy định, giáo viên không được phép dạy học sinh chính khóa của mình. Không thể chỉ vì khó kiểm soát mà cấm, trong khi thực tế, việc học thêm ở chính thầy cô dạy trên trường cũng có nhiều thuận lợi hơn trong việc thu nhận kiến thức, nhất là với các em chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 công lập và trường chuyên.
Cô giáo T.G (ở huyện Tuy Phước) trải lòng: “Bên cạnh một số học sinh cần củng cố, bổ sung kiến thức, việc nhiều em học thêm xuất phát từ việc phụ huynh gây áp lực, muốn con mình phải có điểm số cao. Một số phụ huynh có con đã học giỏi nhưng lại luôn canh cánh nỗi lo con không đi học kèm sẽ bị thua kém bạn bè. Cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, còn một bộ phận thầy cô giáo muốn lớp có thành tích tốt và muốn tăng thu nhập cho cá nhân”. Cô G. cũng cho rằng, chương trình giáo dục dù đã được đổi mới và tốt hơn trước nhưng vẫn còn rất nặng so với nhiều học sinh. Thời gian quy định chính khóa đôi khi không đủ để giáo viên giúp toàn bộ học sinh của lớp hiểu bài. Phụ huynh, nhất là những gia đình buôn bán, kinh doanh hầu như “giao hẳn” việc học của con cho cô, thầy”.
Cần đổi mới, nâng chất lượng dạy chính khóa
Nỗi niềm của phụ huynh như chị Phương hay cô giáo T.G. có lẽ cũng là tâm tư chung của không chỉ phụ huynh hay giáo viên ở tỉnh Bình Định. Vấn đề là làm sao để hạn chế ở mức thấp nhất những tiêu cực của một hoạt động vẫn được coi là “khá nhạy cảm”.
Thầy V.T, cựu giáo viên trường chuyên, cho rằng, ngành GD&ĐT cần được tạo điều kiện để cởi mở hơn với dư luận xã hội, công khai mọi trăn trở, mặt chưa tốt và thu nhận những góc nhìn, góp ý hiệu quả để điều chỉnh mình. Muốn vậy thì phải thay đổi hệ thống đánh giá học sinh, đánh giá nhà trường, để giáo viên có nhu cầu dạy tốt, nhà trường có nhu cầu tổ chức việc dạy và học hiệu quả, chứ không nơm nớp lo sợ, chỉ một “vi phạm” là bị cắt toàn bộ thi đua. Bởi, xuất phát điểm của việc dạy thêm, học thêm chính là “dạy phụ đạo” cho những học sinh yếu, kém trong lớp.
Một cựu hiệu trưởng trường phổ thông phân tích: Biến tấu theo chiều hướng tiêu cực của việc dạy thêm, học thêm đang làm thui chột quá trình tự đào tạo của học sinh, gieo suy nghĩ “không học thêm thì không làm được bài, không học thêm thì không tiếp thu được kiến thức”. Kết quả là làm giảm sút năng lực tư duy độc lập của học sinh. Thực tế, không phải học sinh nào học trong trường có điểm cao cũng thành công khi rời khỏi nhà trường.
Trước thực trạng của toàn ngành GD&ĐT, trong khi chờ đợi những sự thay đổi căn cơ, nhiều thầy cô mong muốn, ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để thầy cô đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới hình thức kiểm tra, thi cử để hạn chế thấp nhất sự can thiệp của giáo viên vào kết quả học tập của học sinh. Ngoài thầy cô, nhà trường, cả phụ huynh cũng phải vững tin, tránh tình trạng “tự gây áp lực cho mình”, rồi đẩy áp lực lên con mình và thầy cô giáo.
NGỌC TÚ