Viết tiếp những giấc mơ
Tối 22.8, Đài PT-TH Bình Định phối hợp với Sở GD&ĐT, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) tổ chức chương trình giao lưu “Đường đến ước mơ” năm 2014. Được tôn vinh trong chương trình tổ chức lần thứ 7 này vẫn là những tấm gương sáng trên con đường học vấn, bất chấp trở ngại trong cuộc sống.
2 trong số 3 cô học trò của nhóm tác giả đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu đặc điểm di truyền của bệnh thận đa nang tại huyện Hoài Ân bằng phương pháp nghiên cứu phả hệ” (đạt giải Ba cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia ở lĩnh vực Y khoa và khoa học sức khỏe) đều có hoàn cảnh rất đặc biệt. Lê Thị Hồng (cựu học sinh Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hoài Ân) chịu cảnh côi cút khi vừa lẫm chẫm tập đi. Từ ngày ba bỏ đi, 3 mẹ con em sống chung với bà ngoại (nay đã 85 tuổi). Vừa vui vì cánh cổng đến với ước mơ trở thành bác sĩ đã mở ra khi được tuyển thẳng vào Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, mẹ con Hồng lại phải đứng trước nhiều nỗi lo. Những ngày trước thời điểm nhập học, mẹ Hồng chạy vạy khắp nơi. Hồng kể: “Mẹ chắt góp và mượn được của các cô chú 3,5 triệu đồng để em một mình vào TP Hồ Chí Minh học. Nay được tham gia chương trình “Đường đến ước mơ”, cả nhà em mừng rỡ bởi hy vọng có thêm nhiều sự giúp đỡ để có thể học đến hết khóa học”.
Chung nhóm nghiên cứu với Hồng là Nguyễn Thị Phương Thảo (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân), cô bé không có ba từ khi lọt lòng mẹ. Mẹ em, người phụ nữ đơn thân, bao năm tần tảo nuôi em khôn lớn bằng nghề phụ hồ. Cảnh nhà đơn chiếc, lại thêm chứng bệnh tâm thần của mẹ thường xuyên tái phát, con đường phía trước của Thảo chông chênh quá đỗi. “Để có thể ở gần và chăm sóc mẹ, đồng thời tiếp tục theo đuổi ước mơ, em đã quyết định đưa mẹ cùng vào TP Hồ Chí Minh. Ở đó, mẹ sẽ đi làm thuê, em cũng tranh thủ đi làm thêm để phụ mẹ. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng em sẽ cố gắng hết sức. Không đầy tuần nữa, hai mẹ con em sẽ lên đường”, Thảo tâm sự.
Cũng như Thảo, dù hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng Nguyễn Vinh Quang (cựu học sinh Trường THPT Trần Quang Diệu, huyện Hoài Ân) vẫn rất quyết tâm và tin tưởng vào chính mình. Ba mẹ Quang đều mất sức lao động do bệnh tật. Ba em bị ung thư giai đoạn cuối; mẹ bị sỏi thận, đã phẫu thuật một lần nhưng không hết bệnh. 2 người anh lớn đã lập gia đình và ở riêng, người anh kề đang là sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Quy Nhơn. Mọi sinh hoạt của Quang và ba mẹ đều dựa vào người anh thứ 3 hiện chưa có việc làm ổn định. Vậy nhưng Quang vẫn là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý, vừa rồi lại thi đậu vào Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh với 22 điểm.
Những tưởng con đường lắm gập ghềnh phía trước sẽ khiến Quang buồn rầu. Nhưng không, trên gương mặt cậu học trò tự nhận thích và có khả năng vẽ, sáng tạo này lại là nét lạc quan, tươi sáng. Quang khẳng định: “Mọi việc rồi sẽ có cách giải quyết. Sau khi nhập học, em sẽ đi làm để tự nuôi mình và trang trải chi phí học tập”.
Cùng giao lưu trên diễn đàn của “Đường đến ước mơ” tối hôm ấy không chỉ là những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều người không khỏi xúc động khi nghe hành trình vượt qua nỗi đau tật nguyền của anh Nguyễn Văn Sơn, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Cơn sốt bại liệt năm 1 tuổi làm tứ chi của Sơn kém phát triển. 14 tuổi, anh mới được đến trường. Hồi đó, cả nhà chế cho anh một chiếc xe gỗ có dây kéo đằng trước để nhờ bạn bè kéo đến lớp. Vào cấp 2, được hỗ trợ xe lắc, anh chủ động đến trường. Học hết cấp 3 ở Trường THPT Xuân Diệu, anh thi đậu vào ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Quang Trung. Tốt nghiệp ra trường, anh quyết định gắn bó với những người cùng cảnh ngộ, tiếp thêm sức mạnh để họ hiện thực hóa ước mơ của chính mình.
Từ năm 2012 đến nay, anh là giáo viên dạy môn Tin học dành cho người khuyết tật ở Chi hội Nguyễn Nga (thuộc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh) và phụ trách tất cả các hoạt động liên quan đến tin học như: phụ trách website, sửa chữa máy móc, các phần mềm. “Được làm việc khiến tôi tự tin, thấy cuộc sống có nhiều niềm vui, ý nghĩa hơn”, anh Sơn chia sẻ.
Và, những con người vượt lên số phận ấy đã gieo vào lòng người nỗi cảm phục. Em Lê Thúy Vi (học sinh lớp 12 chuyên Văn, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn), tâm sự: “Đến với chương trình “Đường đến ước mơ”, em và các bạn được biết đến nhiều người có hoàn cảnh thật đặc biệt nhưng luôn giàu nghị lực, luôn can đảm, không lùi bước. May mắn vì có điều kiện đầy đủ hơn, tụi em càng nể phục các bạn, từ đó có thêm động lực để phấn đấu trên con đường học tập và theo đuổi ước mơ”.
THU HIỀN - NGUYỄN MUỘI
Đồng hành và sẻ chia
Ông HUỲNH ĐĂNG KHANH, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh: “Chương trình “Đường đến ước mơ” đã tạo điều kiện cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn đến được với ước mơ. Hơn thế nữa, nhiều học sinh biết đến các gương học tốt để thêm cố gắng. Nhiều doanh nghiệp có cơ hội giúp đỡ các em viết tiếp những ước mơ. Công tác khuyến học, khuyến tài của địa phương nhờ đó cũng thêm lan rộng”.
Bác sĩ TRẦN QUỐC VIỆT, Phó Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn: “Từ năm 2014 trở đi, BVĐK khu vực Bồng Sơn quyết định hỗ trợ hoàn toàn học phí, tiền tàu xe trong 6 năm học cho các học sinh thi đỗ vào Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Huế. Những trường hợp khó khăn đặc biệt, Bệnh viện sẽ “thương thảo” với gia đình để có sự hỗ trợ thêm. Chúng tôi “mở rộng cửa” đón tất cả các em về, mong muốn các em trở thành đồng nghiệp của mình, cùng chung sức đóng góp xây dựng quê hương, đất nước”.
Ông NGUYỄN PHÚC HƯNG, Giám đốc ACB - Chi nhánh Bình Định: “Đây đã là lần thứ 7 ACB đồng hành với chương trình “Đường đến ước mơ”. Chúng tôi trân trọng và luôn mong muốn các em học sinh phấn đấu, nỗ lực vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh để thực hiện ước mơ cao đẹp của mình, biết sống có trách nhiệm với bản thân và có ích cho xã hội”.