Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Địa phương sắp xếp đơn vị hành chính chưa quyết liệt
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết có tâm lý và thực tế triển khai chưa thật sự quyết liệt nên qua tổng hợp phương án sắp xếp đơn vị hành chính của 56 địa phương thì có thể chỉ đảm bảo giảm được 50% theo yêu cầu.
Sáng 13.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về việc thành lập thị xã Việt Yên và các phường thuộc thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; việc nhập xã Thiệu Phú vào thị trấn Thiệu Hóa và thành lập thị trấn Hậu Hiền thuộc huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, việc trình thành lập đơn vị hành chính, nâng cấp đô thị liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính do đó thẩm tra phải khẳng định phù hợp quy hoạch cấp tỉnh, cấp huyện. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về thành lập đô thị cũng nêu rõ không được nợ tiêu chí.
Báo cáo về các vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết hồ sơ bám sát theo đúng quy định, nghị quyết và quy hoạch tỉnh, đô thị đã được phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà báo cáo tại Phiên họp 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Nữ bộ trưởng cũng cho biết, đến tới điểm này 56/56 địa phương đã gửi phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 để cho ý kiến, số còn lại sau khi rà soát không nằm trong diện phải sắp xếp cấp huyện, xã.
Theo rà soát thì có 33 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.327 cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thị Thanh Trà, có tâm lý và thực tế triển khai không thực sự quyết liệt nên qua tổng hợp các phương án của 56 địa phương thì có thể chỉ đảm bảo giảm được 50% theo yêu cầu, còn lại căn cứ các tiêu chí đưa vào diện đặc thù để không sắp xếp.
Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến để các tỉnh, thành thực hiện nghiêm túc Kết luận số 48-KL/TW ngày 30.1.2023 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định định cho biết, Ủy ban Pháp luật quá trình thẩm tra các đề án có nêu một số ý kiến lưu ý Chính phủ, Bộ Nội vụ và các địa phương thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025.
“Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Bộ Nội vụ soạn thông báo gửi Chính phủ, Bộ Nội vụ, địa phương và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện đúng Kết luận 48, Nghị quyết 35, Nghị quyết 117, đảm bảo như yêu cầu đặt ra” – ông Nguyễn Khắc Định nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự phù hợp về quy hoạch, thành lập đô thị không nợ tiêu chí, nhập nông thôn vào đô thị phải có đề án riêng; sắp xếp kết nối giai đoạn 2023-2025 và 2025-2030 đảm bảo tính đồng bộ.
Liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025, chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ nêu giải pháp để thực hiện thành công những mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ tại Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là thời gian rất gấp rút, chưa đến một năm để chuẩn bị đại hội Đảng cấp cơ sở vào năm 2025.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đây là chủ trương lớn, tập trung cải cách tổ chức bộ máy và cũng là việc khó đòi hỏi quyết tâm chính trị của cả hệ thống.
“Hơn lúc nào hết, rất mong sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nhất là ở địa phương. Đây là lĩnh vực khó, khẳng định năng lực, trình độ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu” – bà Phạm Thị Thanh Trà nói trên Hội trường Diên Hồng.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)