Phòng ngừa hiểm họa thiên tai
Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc, tình trạng các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng phức tạp do tác động của tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra đang là mối nguy lớn cho sự phát triển bền vững của mọi quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thực tế những năm gần đây cho thấy, mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra ở nước ta diễn biến ngày càng nặng nề hơn. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão Trung ương, chỉ riêng trong năm 2013 trên địa bàn cả nước có 254 người chết, 31 người bị mất tích, 859 người bị thương, 12.000 ngôi nhà bị đổ sập, 350.000 ha hoa màu bị thiệt hại... Trong những ngày gần đây, mưa lớn gây lũ lụt và sạt lở đất liên tục xảy ra tại các tỉnh miền núi phía bắc cũng gây nhiều thiệt hại về người và tài sản với hàng chục người chết và mất tích, nhiều công trình giao thông, thủy lợi và hoa màu bị thiệt hại nặng nề.
Không nói đâu xa, từ cuối năm ngoái đến nay trên địa bàn tỉnh ta cũng đã diễn ra hai hiện tượng thời tiết hết sức cực đoan. Cuối năm 2013, cơn lụt lớn và bất ngờ hồi giữa tháng 11 đã gây thiệt hại lớn cho nhiều địa phương trong tỉnh. Còn từ đầu năm 2014 đến nay, thời tiết lại diễn biến cực đoan với thời tiết nắng nóng kéo dài liên tục, diễn ra trên diện rộng gây hạn nặng cho nhiều địa bàn từ ven biển tới vùng núi, gây nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của hàng vạn dân.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi chính quyền các địa phương phải triển khai gấp các biện pháp ứng phó với các hiểm họa thiên tai. Riêng với địa bàn Bình Định, mùa mưa hàng năm là lúc tính mạng và tài sản của dân cư luôn ở trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là tại các vùng ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở và các vùng thấp thường xuyên ngập lụt. Để bảo đảm an toàn cho người dân, việc di dời và xây dựng các khu tái định cư cho người dân ở các vùng nguy hiểm này là nhiệm vụ có tính chất vừa cấp bách vừa lâu dài. UBND tỉnh đã phê duyệt dự án rà soát, bổ sung quy hoạch bố trí dân cư các vùng có nguy cơ thiên tai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Theo đó, tỉnh sẽ phải đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để xây dựng hạ tầng, bố trí chỗ ở cho hàng chục ngàn hộ dân thuộc diện phải di dời tái định cư. Đây là một sự nghiệp không hề đơn giản và không thể thực hiện ngay được trong một thời gian ngắn.
Trong khi các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh cho người dân các vùng nguy hiểm chưa thể thực hiện ngay thì việc dự báo, tuyên truyền để người dân tự trang bị kiến thức để đề phòng thiên tai là cấp thiết để giảm thiểu hậu quả có thể xảy ra. Trước mắt, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân vùng sạt lở nguy hiểm trước mùa mưa bão năm nay, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn để trang bị “kỹ năng ứng phó thiên tai” cho người dân trong các vùng này. Đồng thời, chủ động lập phương án di dời dân đến nơi an toàn mỗi khi có thiên tai bão lụt xảy ra theo phương châm “4 tại chỗ”, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra!
Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua cho thấy, dù đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó, phòng ngừa nhưng thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn rất lớn. Đây là cảnh báo mà các địa phương cần hết sức quan tâm, sớm có giải pháp chủ động phòng tránh có hiệu quả để bảo vệ sinh mạng người dân trong các tình huống thiên tai ập đến.
HẢI ĐĂNG