Kẻ rao bán ký ức
* Truyện ngắn của Dương Hằng
Con gà trống già eo óc cả buổi trưa. Sau mấy đêm mưa, mầm lạc trong vườn đã bật dậy, nhú mầm nõn nà, căng cựa. Sáng nay trời nắng hửng, trưa găng gắt. Cỏ mọc rậm rì. Mùi của đất còn nhầy nhựa, âm ẩm. Thứ mùi vừa quen thuộc vừa lạ lẫm. Chị vun lại chỗ ô đất nhũn bấy, nhoe nhoét. Chị gieo lạc ré, chắc nịch, mây mẩy và khỏe lắm. Như chỉ chờ cơn mưa lắc rắc cuối xuân, nó sẽ cựa mình trỗi dậy. Chị hong mình dưới nắng, vun cuộc đời vào mầm xanh hy vọng.
Chị đến xóm này đã gần một năm nhưng đến bây giờ có những điều vẫn thật lạ lẫm, cả ý nghĩ trở về nơi ấy cũng chẳng hề quen thuộc. Luống cà, luống cải đơm hoa, mùi hăng hăng như mùi nắng luồn trong mớ mồ hôi rười rượi sau gáy bé Nhi. Nhưng mùi của bé Nhi còn có vị ngọt của da thịt. Những thứ mùi đánh thức chị về ký ức mù. Chị toan phá luống cải, luống cà bằng những nhát liềm sắc ngọt. Mảnh vỡ ký ức rớt xuống tan hoang trong nắng. Mùi hăng hăng càng dậy nồng hơn. Chị ngồi phịch xuống như người ăn vạ, khóc ngọt như mưa…
Trưa nay, chị xuống huyện về, thấy Dịu ngồi ở cổng, ngủ ngon lành bên đống chai lọ méo xẹp, ngổn ngang. Chị không nỡ lay Dịu dậy, nhưng biết kiểu gì lúc kéo tấm cửa xanh, tiếng kèn kẹt cũng sẽ làm Dịu tỉnh giấc. Chị ngồi xuống bên Dịu. Có một nơi mà chị biết, thời gian chưa bao giờ chạm tới, đó là gương mặt Dịu. Dịu hai sáu tuổi, đôi má căng mịn, hồng hào, bàn tay búp măng như bàn tay em bé. Với thời gian hay con người ở xóm này, Dịu đã trôi tuột vào quên lãng. Họ bảo Dịu bị điên. Vậy mà có lúc, chị đã nghĩ, chỉ có Dịu là một người bạn thực sự còn lại trong cuộc đời mình. Trên cánh tay và ở chân Dịu chỗ thì lổn nhổn vết xước như con rết uốn cong mình, chỗ thì máu vừa sánh lại. Lúc buồn, Dịu thường nghịch ngợm những vết xước để máu tứa ra tưa tướp. Nhà, với Dịu, là bất cứ nơi đâu Dịu có thể ngồi ngủ ngon lành, sâu giấc. Những buổi trưa của Dịu là nhẩn nha khắp xó xỉnh, góc vườn nhặt nhạnh thanh sắt rỉ, chai, lọ bẩn… gom lại và ngồi chờ đồng nát ngang qua. Tự khi nào cổng nhà chị lại trở thành nơi Dịu hay lui tới. Tiếng bọp be của ông bán kem vang lên đánh thức Dịu. Dịu mở mắt ra, nhìn chị, đôi mắt sóng sánh niềm vui.
Chị bỗng sợ cảm giác chính mình bị bỏ quên vào quá khứ của một ai đó, hay ngăn nhớ của họ không còn đủ rộng cho mình. Lạ đến day dứt, chị đã từng cố chôn ký ức về bé Nhi và anh dưới đáy vực, nhưng nghĩ đến việc họ cũng đang cố chôn hình bóng chị như thế, chị thấy tim mình thắt lại. Một lần chị đi hụt, va li sắp sẵn, bé Nhi phát hiện ra. Từ hôm ấy, đêm nào con bé ngủ cũng quờ quạng chân chị, bụng chị. Nó gối đầu lên cả mái tóc chị lúc ngủ. Mờ sáng, con bé hay mê sảng, ráo riết gọi tên chị như thể một ám ảnh nào đó đang truy đuổi giấc mơ. Mồ hôi trên mặt con bé phả vào mặt chị nóng hổi. Vậy mà cũng có lúc chị lừa được con bé để đi. Lúc ra đến cổng, chị thấy chậu hoa mười giờ con bé trồng tặng chị đã đơm nụ đỏ chót. Chị lựng khựng một hồi, một chút dằn vặt thoáng qua, mấy giây sau cũng tự đưa chân mình qua ngã rẽ.
Xe chở chị đi băng qua con dốc trước mắt là ngôi nhà của chị sẽ chìm khuất sau lưng trong mênh mông sương khói. Xa rồi, thứ mùi chua lèm trên tấm ngực trần thô ráp của anh, mùi khét nắng ở đám tóc rễ tre hoe hoét của con bé. Chao ôi những thứ mùi, biết bao giờ chị có thể quên?
Vậy mà chị đã quên thật, sạch trơn. Nửa năm về trước, ký ức là miền rỗng không, mờ mịt. Có lúc nhìn lại, chị còn ngỡ mình bị lăn từ đỉnh núi xuống vực sâu, quá khứ đã rơi rớt mất rồi. Chị sống như kẻ bị cuộc đời thôi miên, xô lệch. Cho đến khi gặp Dịu, một người chẳng hề có định nghĩa mang tên ký ức, tự trôi đi theo những ngày nhờn nhợt, chị lại thấy có đoạn nửa năm của mình trong đó, hình như Dịu đã nhặt về từ nơi vực thẳm. Lúc này, Dịu đang ngồi trước cổng nhà với đống sắt vụn nhem nhuốc, chờ những cô đồng nát tới đưa chúng ra. Chính chị lại có cảm giác, Dịu đang rao bán những ký ức của người ta ngay ở cổng nhà của chị. Chị không đủ dũng cảm để mua nó, nên Dịu cứ ngồi hoài ở đây suốt nửa năm nay.
- Chị…đi đâu về vậy? Em đói, cho em cơm nguội đi.
- Dịu vào nhà đi, chị lấy cơm cho.
- Em phải ở đây trông đồ. Chị mang ra đây cho em được không?
Trong bếp còn ít cơm nguội và mấy miếng thịt ba chỉ kho nghệ. Bé Nhi và anh thích món này. Mỗi lần ăn xong, con bé chạy lon ton khắp nhà khoe cái miệng vàng khè vàng khẹt của mình. Anh bảo món này có mùi là lạ, không định nổi thành tên, nhưng mùi này anh sẽ nhớ mãi. Vẫn là những thứ mùi ám ảnh chị. Mùi ký ức.
Sáng, khi dải mây vắt ngang mình qua núi, mưa ậm ờ chưa trút nước, dù trời đã tối sầm sị, u ám từ chiều qua. Chị vô tình thấy bóng Dịu đang ngồi ở sông với con bé nhỏ thó, lạ hoắc lạ huơ. Con bé vừa khóc vừa nấc cụt. Dịu ngơ ngẩn ngồi bên, an ủi con bé bằng hơi thở và sự lặng im. Như những lần tạt qua nhà chị, Dịu ngồi ở sân, dưới tán cây nhãn lồng, nghe lá khua xao xác. Nhà có thêm người, nhưng Dịu chẳng nói câu nào, thành ra đến tiếng ho khan cũng bị nuốt vào thinh lặng.
- Sao con bé khóc vậy Dịu?
Dịu lắc đầu. Có lẽ Dịu chưa kịp hỏi. Chị đưa ống tay áo quệt ngang hai má của con bé.
- Nín đi cháu. Nói cho cô biết, nhà cháu ở đâu, cô sẽ đưa cháu về?
Con bé nấc lên:
- Mẹ… cháu… bỏ… bỏ cháu đi rồi.
Những thanh âm đứt gãy trong tim chị. Con bé bảo bị lạc đến đây, vì đuổi theo chiếc xe chở mẹ. Nó không muốn trở về. Nó muốn đi tìm mẹ. Có lẽ nó đã chạy một quãng khá xa đến nỗi quên cả đường về. Những tưởng tượng đưa chị đến ý nghĩ anh và bé Nhi đã lạc mất nhau, vì chị. Con dốc là ranh giới mong manh đẩy ba cuộc đời ra ba ngả.
May thay, bố con bé tìm đến. Anh nhìn chị đầy biết ơn rồi đưa con bé trở về. Lúc ngồi trên chiếc xe cà tàng, con bé còn níu lại mòn mỏi trên dấu tích trên vệt đường của chiếc xe đưa mẹ nó đi.
Chị trở về nhà, bần thần như bị ai đó đánh cắp đi trí nhớ. Ký ức lừng lững đâu đó trong tâm trí chị và trong cả ánh mắt Dịu.
- Chị buồn à? Em tết tóc cho chị hết buồn nhé?
Bàn tay nhỏ nhắn của Dịu vuốt lên mái tóc chị. Dịu khéo nhất có lẽ là việc tết tóc. Chị nhớ mông lung ngày xưa mình cũng thường tết tóc cho bé Nhi. Chỉ khi ấy, chị mới ngửi thấy mùi mồ hôi bê bết sau gáy con bé. Thứ còn lại cho đến giờ chị thấy gần gũi nhất có lẽ là thứ mùi ấy. Ở bên bé Nhi, chị chưa từng nghĩ mình là mẹ con bé. Con bé chỉ mượn cái bụng chị làm nơi ẩn náu đủ chín tháng mười ngày thì chui ra. Nhưng chị yêu anh. Đã có lúc chị nghĩ mình có thể sống chết vì cuộc tình này. Vậy mà lúc anh cần chị nhất, chị lại buông bỏ. Vụ tai nạn trên đường cao tốc đã cướp đi đôi chân khỏe khoắn của anh. Cuộc đời bỗng nhàu úa trong chớp mắt. Chị đi, bỏ lại sau lưng mình những lụy phiền, mỏi mệt.
Mấy hôm nay, chị không thấy Dịu ghé qua cổng nhà để rao bán vui buồn ký ức. Chị không muốn mua lại nó, nhưng vắng Dịu một ngày, chị thấy khoảng ký ức cứ chờn rợn trước mắt mình. Hoa trong vườn cũng vì Dịu mà bớt thắm. Cửa nhà lạnh lẽo, vắng heo.
Chị hay tin Dịu ốm nặng. Chị đến thăm Dịu, ánh mắt Dịu rạng lên. Dịu bảo Dịu thèm cơm nguội nhà chị. Chị cười bần bật, bảo thèm gì chứ thèm cơm nguội, nhà chị luôn sẵn. Dịu cười khờ khệch. Những vết xước trên cánh tay bữa nọ của Dịu đã liền sẹo. Mái tóc Dịu đổ mồ hôi nhầy nhựa.
- Chị đừng quên em nhé, chị.
- Dịu còn phải khỏe lại để làm bạn với chị cơ mà?
- Em sợ người ta quên mình, ngay cả khi còn sống, chị à. Em sợ lắm.
- Ừ, chị và Dịu mãi là bạn của nhau.
Dịu nắm lấy bàn tay chị, ve vuốt lên vết xước măng dô trên ngón tay và vết chai sần trong lòng bàn tay. Rồi Dịu cười, nhẹ như hơi thở. Còn tim chị quặn lại.
Dịu đã đi thật rồi, Dịu ơi. Người bạn còn lại trong cuộc đời của chị đã thực sự rời xa chị. Cái khoảnh khắc bàn tay Dịu lạnh dần, lạnh dần, chị đã biết chắc chắn mình phải mua lại ký ức nơi Dịu đang cất giữ. Vì điều gì đó, đến lúc này chị mới nhận ra.
Cuộc sống này không thuộc về Dịu. Nơi Dịu đến, chắc chắn rằng Dịu không bao giờ bị lãng quên. Mảnh đất này cũng không thuộc về chị. Chỉ sợ cảm giác ngày mai thức dậy, không còn thấy bóng Dịu trước cổng nhà mình, rao bán ký ức để chị thấy mình không bị lãng quên ở chốn này. Có Dịu thì sẽ còn ký ức để chị bám víu và biết mình không phải đang tồn tại. Chị phải đi thôi. Chính chị phải tìm về nơi chị đã bỏ quên ký ức. Chị phải tìm về những thứ mùi thân thuộc ngày xưa. Chị đi mang theo quang gánh ký ức bên mình. Chị sẽ đi tìm hai mảnh ghép mình đã vô tâm để lạc mất trong đời.
D.H