Tuy Phước bảo tồn, phát huy giá trị di sản bài chòi dân gian
Dù chưa thành lập được nhiều CLB bài chòi dân gian như TX Hoài Nhơn, hay có số lượng nghệ nhân gạo cội như TP Quy Nhơn, nhưng huyện Tuy Phước có hướng đi riêng để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật này.
Ngoài CLB bài chòi dân gian của huyện, đến nay, Tuy Phước thành lập thêm nhiều CLB bài chòi ở thị trấn Tuy Phước; các xã Phước Sơn, Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Hưng; Trường THPT Nguyễn Diêu, Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn, thu hút nhiều người yêu thích bài chòi tham gia, nhất là giới trẻ.
Hội đánh bài chòi dân gian huyện Tuy Phước tổ chức tại Lễ hội Chợ Gò thu hút rất đông người dân, du khách tham gia. Ảnh: ĐOAN NGỌC
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phú, Chủ nhiệm CLB bài chòi dân gian huyện Tuy Phước, cho biết: “Ngoài việc tập huấn cho đội ngũ nghệ nhân các CLB bài chòi xã, thị trấn nâng cao kỹ thuật diễn xướng, chúng tôi cũng đưa bài chòi vào trường học để giới thiệu cho học sinh, từ đó các cháu yêu thích, tập hô, trình diễn. Huyện cũng hỗ trợ bộ thẻ bài, một phần nhỏ kinh phí để các CLB bài chòi hoạt động; tổ chức nhiều hội thi, hội diễn bài chòi nhằm tìm kiếm đội ngũ nghệ nhân trẻ để trao truyền di sản”.
Trong lần đầu tiên Trung tâm VH-TT&TT huyện phối hợp với Huyện đoàn Tuy Phước tổ chức tập huấn truyền dạy bài chòi trong thanh thiếu niên vào trung tuần tháng 12 này đã thu hút khá đông lớp trẻ tham gia.
Chị Nguyễn Thị Duyên, Bí thư Đoàn xã Phước Hưng, chia sẻ: “Nhiều lần tham gia tập huấn bài chòi do huyện tổ chức, tôi thấy việc này rất ý nghĩa để khơi dậy đam mê bài chòi cho giới trẻ, bồi dưỡng nhân tố mới, bổ sung lực lượng hiệu bài chòi kế thừa. Đoàn xã sẽ thành lập CLB thanh niên với nghệ thuật bài chòi, phối hợp CLB bài chòi của xã tổ chức những buổi văn nghệ, hô bài chòi để chung tay giữ gìn, phát huy giá trị nghệ thuật này”.
“Không chỉ bài chòi, huyện Tuy Phước còn chú trọng bảo tồn nghệ thuật hát bội, bả trạo, võ cổ truyền, các lễ hội dân gian…, cũng như đầu tư tôn tạo, tu bổ nhiều di tích lịch sử, văn hóa để bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch văn hóa theo định hướng của tỉnh”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước NGUYỄN HÙNG TÂN
Chỉ mới thành lập hơn 1 năm, nhưng CLB dân ca bài chòi xã Phước Quang đã quy tụ 30 nghệ nhân “cây nhà lá vườn” hô hay, diễn tốt, cùng nhiều bạn trẻ yêu thích bài chòi tham gia. Chị Nguyễn Thị Mười, Chủ nhiệm CLB bài chòi xã Phước Quang, tâm tình: “Không chỉ trình diễn trong xã, huyện, chúng tôi cũng được mời lưu diễn tại các sự kiện văn hóa, văn nghệ được tổ chức ở nhiều nơi khác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CLB, cũng như quảng bá nghệ thuật bài chòi dân gian đến đông đảo công chúng mộ điệu”.
Hâm mộ bài chòi rồi tìm đến các nghệ nhân để học, chị Trần Thị Như Thường, thành viên CLB xã Phước Quang, bộc bạch: “Chính sự dí dỏm, gần gũi, đầy bản sắc văn hóa của các làn điệu, câu thai bài chòi dân gian Bình Định đã khiến tôi mê và theo học bài chòi. Tham gia CLB, cũng như đi tập huấn giúp tôi có thêm cơ hội nâng cao kỹ năng diễn bài chòi phục vụ công chúng. Tôi rất tự hào vì góp sức trẻ để lan tỏa giá trị di sản văn hóa của quê hương Tuy Phước nói riêng, Bình Định nói chung”.
Với sự quan tâm của huyện, tinh thần nhiệt huyết của các nghệ nhân, Tuy Phước đã có bước phát triển trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa bài chòi dân gian.
Ông Ngô Hồng Sơn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm VH-TT&TT huyện Tuy Phước, cho biết: Huyện triển khai nhiều hoạt động bảo tồn bài chòi dân gian từ trước khi UNESCO ghi danh nghệ thuật bài chòi Trung bộ Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017. Đặc biệt, huyện duy trì tổ chức Hội đánh bài chòi dân gian tại Lễ hội Chợ Gò dịp tết Nguyên đán hằng năm. Theo kế hoạch mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi sẽ tổ chức thêm Hội bài chòi tại Lễ hội đua thuyền trên sông Gò Bồi (xã Phước Hòa), Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang) để quảng bá di sản bài chòi đến với du khách.
ĐOAN NGỌC