Trao sinh kế phù hợp, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, các cấp chính quyền ở huyện An Lão đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được phân bổ để hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
An Hưng là xã nghèo của huyện An Lão, với 98% dân số là đồng bào dân tộc H’re, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như gia đình chị Đinh Thị Mum (SN 1985, ở thôn 2) thuộc diện hộ nghèo, chồng mất sớm nên nguồn thu nhập chính của cả gia đình dựa vào việc đi làm thuê hằng ngày của chị.
Cán bộ UBND xã An Hưng thường xuyên giúp đỡ, kiểm tra tình hình phát triển đàn heo của hộ chị Đinh Thị Mum (thôn 2). Ảnh: D.Đ
Năm 2023, UBND xã An Hưng triển khai thực hiện Nội dung số 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Để giúp chị Mum có điều kiện vươn lên, xã đã họp bình xét, hỗ trợ 3 con heo đen (2 heo cái và 1 heo đực), thức ăn chăn nuôi, chuồng trại với tổng trị giá gần 10 triệu đồng, tạo động lực giúp chị phát triển kinh tế.
Chị Mum cho hay, sau khi nhận heo, chị tận dụng đất trống sau vườn rồi quây lưới nuôi bán chăn thả; thức ăn cho heo chủ yếu là rau cỏ, bắp, cây chuối. Qua gần 1 năm chăm sóc, đàn heo của chị đã đẻ lứa đầu tiên với 8 heo con. “Nhìn đàn heo ngày lớn nhanh, tôi mừng lắm. Tôi sẽ cố gắng nuôi thật tốt để sớm bán một ít heo giống, có tiền chăm lo cho các con và xoay vòng vốn mới”, chị Mum nói.
Còn chị Đinh Thị Tiêu (SN 1983, ở thôn 3) cũng được xã hỗ trợ 3 con heo đen sinh sản. Nhờ chị Tiêu “mát tay” chăm nên năm 2023 đã xuất bán 30 con heo giống, lãi được gần 50 triệu đồng. “Nhờ sự quan tâm của chính quyền, gia đình tôi được hỗ trợ con giống để phát triển chăn nuôi, từ đó thoát nghèo, có thu nhập ổn định, cuộc sống không còn khó khăn như trước”, chị Tiêu chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã An Hưng Đinh Văn Thành, năm 2022 - 2023, xã An Hưng được phân bổ 790 triệu đồng để thực hiện Nội dung số 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trên cơ sở nhu cầu của người dân, xã đã bình xét, hỗ trợ 275 con heo đen, heo Móng Cái sinh sản cho 91 hộ nghèo, cận nghèo. “Được nhận heo giống, các hộ lại thường xuyên được cán bộ xã, huyện tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, ai cũng có động lực vươn lên. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, có thu nhập ổn định, mà còn trở thành những nhân tố điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương”, ông Thành cho biết.
Còn tại xã An Trung, nhiều hộ dân cũng từng bước vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn lực hỗ trợ từ chính quyền. Năm 2022 - 2023, UBND xã An Trung đã hỗ trợ 145 con heo đen cho các hộ dân trên địa bàn (3 con/hộ), 30 con heo nái F1 (3 con/hộ), 1.500 con gà (500 con/hộ)... Để phát huy hiệu quả của dự án, xã còn đề nghị Mặt trận và các hội, đoàn thể cùng tham gia giám sát, hướng dẫn, giúp các hộ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích.
Ông Đinh Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã An Trung, cho hay hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo là biện pháp hữu hiệu trong công tác giảm nghèo. Mỗi hộ có điều kiện và năng lực khác nhau nên trước khi quyết định hỗ trợ, xã đều tìm hiểu kỹ nhu cầu và khả năng để có hướng hỗ trợ phù hợp, giúp hộ nghèo thoát nghèo. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã chỉ còn 31,3% (năm 2022 là 51,3%).
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Quyền Chủ tịch UBND huyện An Lão, năm 2022 - 2023, thực hiện Nội dung số 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, UBND huyện đã phân bổ cho các xã, thị trấn gần 6,1 tỷ đồng để mua, hỗ trợ người dân 35 con trâu, bò giống, gần 800 con heo sinh sản, 4.700 con gà thả vườn, 800 cây ăn quả... Từ đó, các địa phương đã triển khai 80 dự án, mô hình cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho 1.000 hộ có điều kiện phát triển sản xuất, tiến tới thoát nghèo.
“UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tăng cường giải ngân vốn; phổ biến, nhân rộng các mô hình, điển hình giảm nghèo hiệu quả, phê phán các trường hợp không muốn thoát nghèo. Đặc biệt là phân công cán bộ, đảng viên đồng hành cùng hộ nghèo để vận động, hướng dẫn họ triển khai hiệu quả nguồn sinh kế hỗ trợ… Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện giảm còn 18,3%”, ông Lâm nói.
DUY ĐĂNG