Kỷ niệm 38 năm ngày mất nhà thơ Xuân Diệu (18.12.1985 - 18.12.2023): Xuân Diệu ở quê Má
Với Tuy Phước, với Bình Ðịnh, nhà thơ Xuân Diệu (1916 - 1985) quá đỗi quen thuộc. Sinh năm 1916 tại vạn Gò Bồi, thôn Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, ông là một tài năng đa diện, một nhà thơ - nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp xuất sắc vào sự phát triển của văn hóa Việt Nam hiện đại, đặc biệt ở lĩnh vực văn học.
Nhắc đến Xuân Diệu đầu tiên ai cũng nhớ đến cách ví von “Ông hoàng thơ tình” của Việt Nam. Nhưng với những người yêu quê hương Bình Định, liền đó ai cũng sẽ nhắc luôn Xuân Diệu là nhà thơ của xứ Nẫu với toàn bộ máu thịt, tâm hồn ông; trước Xuân Diệu chưa từng ai như thế, sau Xuân Diệu - từ ngày ông đi xa đến giờ vẫn chưa có ai được như thế.
***
Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Diệu gắn bó chặt chẽ với những thăng trầm của đất nước. Sinh ra ở Gò Bồi, có tuổi thơ với bao kỷ niệm êm đềm ở nơi đây. Khi đất nước bị chia cắt, sống và làm việc ở miền Bắc, tâm hồn ông đau đáu thương về miền Nam, về nơi chôn rau cắt rốn của mình. Vì vậy mà trong di sản thi ca đồ sộ của mình, có rất nhiều bài thơ ông viết về quê hương với tình cảm sâu nặng, nhớ nhung, da diết.
Nhà thơ Xuân Diệu. Ảnh tư liệu
Đọc thơ ông, ký ức của ông về ngọn gió nồm được tái hiện nhiều lần, trở nên một hình tượng thơ quen thuộc trong cách diễn đạt cảm xúc về quê hương. Trong bài thơ Đêm ngủ ở Tuy Phước ông viết: “Đêm ngủ ở Tuy Phước là để mà không ngủ/ Không ngủ được bởi gió nồm thổi lên cứ nhắc/ Trọn mình anh đã nằm giữa lòng tôi”. Ông còn viết trong Tâm sự với Quy Nhơn: “Những lúc hiu hiu thổi gió nồm/ Hồn trong võng gió mát như ôm/ Những chiều kéo lưới thuyền về nặng/ Lanh lảnh nghe rao “cá bánh đường”.
Và một lần nữa, trong bài Miền Nam quê ngoại ông tâm sự: “Tôi mới sinh ra thì đã có gió nồm/ Cái gió ấy tuyệt vời trên dọc miền Nam Trung Bộ/ Khi tôi chưa biết khôn, mà da tôi đã biết mát theo làn gió/ Hiu hiu gió nồm, lo ló vầng trăng”.
Ngọn gió nồm còn xuất hiện trong bài thơ Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong: “Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang/ Đói bao thuở cơm chia phần từng bát/ Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát/ Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm”.
Cứ mỗi độ mùa về, gió nồm lại thổi từ biển vào vạn Gò Bồi. Gió nồm như nguồn sinh khí mới thổi sự sống vào đất và người trong đoạn cuối xuân sang hè, khiến cảnh vật và con người tràn căng sức sống. Xuân Diệu sinh ra và lớn lên ở vùng quê hằng năm đón ngọn gió ấy, ông cảm nhận ngọn gió đặc biệt ấy, lưu giữ như một ký ức không bao giờ phai trong tâm hồn mình, như một sợi dây bền chặt nối kết tâm hồn ông với quê hương.
Khi nói về Xuân Diệu, nhà phê bình Hoài Thanh cho rằng thơ Xuân Diệu là một nguồn sống dạt dào chưa từng thấy, ông say đắm tình yêu, cảnh trời, sống vội vã cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Từ đặc điểm ấy, có thể nói, ông có một tâm hồn rộng mở vô biên với đời sống. Khi đọc thơ ông viết về quê hương, người ta có thể nhận thấy ông gắn bó với rất nhiều hình ảnh, kỷ niệm, những chi tiết tưởng chừng như nhỏ nhất về cuộc sống, về những gì mà ông trải nghiệm tử thuở nhỏ. Ông thòm thèm vị ngọt xoài thanh ca: “Trái non mà đã thích/ Rụng xuống vần còn ngon/ Huống chi là trái chín/ Ôi thanh ca ngọt giòn”. Ông nhấm nháp vị thơm của nước mắm: “Khi anh sinh ra, anh đã thở hơi nước mắm ngon của Vạn Gò Bồi/ Nên tới già thơ anh còn đậm đà thấm thía”. Ông nhớ đến cả “Lục lạc kêu rang rảng, bánh tráng bẻ giòn giòn”; nhớ từ miếng bánh tét, bánh tổ, trái me khèo ở vườn hoang giữa trưa, đến “đầm đậm cá chuồn, thơm thơm khoai”, rồi “tiếng bài chòi cắc cụp cắc ở chợ Tết Văn Quang”, tiếng mẹ thốt lên “úi chui cha” hay lời mẹ hát thánh thót “qua nhớ thương em bậu” cứ như ngọn gió xao xác tâm hồn ông lúc xa quê.
Có thể nói Xuân Diệu ghi nhớ hết mọi thứ gợi nhớ đến quê mẹ, từ những âm thanh nhỏ nhất, những đường nét mảnh mai nhất đến cả những núi sông biển đầm; ông nhớ những cái hữu hình đã đành, cả những vô hình ẩn khuất cũng đằm thắm hiển thị trong từng con chữ rõ mồn một. Người ta chỉ có thể làm được như thế khi trong từng hồng huyết cầu của mình đều in bóng quê hương.
Gắn bó, nhớ về quê hương, hình ảnh bà ngoại và người mẹ xuất hiện trong thơ ông với niềm trân trọng, yêu thương tha thiết. Thật xúc động khi người bà và người mẹ được ông mô tả, tái hiện như những con người nhân hậu, chịu thương, chịu khó, hy sinh bản thân mình cho cháu con: “Bà ngoại ơi, bà có tự bao giờ trên đất miền Nam/ Khi cháu lớn lên thì ngoại đã tự bao giờ tóc bạc/ Kẹo bánh ngoại cất tự bao giờ? Từ bao giờ có con tôm bạc/ Để ngoại kho cho cháu háu ăn hoài”; hay “Cháu ngoại thương dại, thương dột, cháu nội chưa vội mà thương/ Bà ngoại là người thứ nhất quê hương”.
Còn đây là những vần thơ thành kính về mẹ: “Má là nguồn gốc của con/ Má là Vạn Gò Bồi, là làng Tùng Giản/ Má là sông không cạn, núi không mòn/ Má của con ơi, hài cốt má đã ở yên trên đất Bắc/ Má vẫn giặt áo cho con ở bến sông nhỏ Gò Bồi/ Má vẫn đang quét sân, giã gạo, quảy nước, hông sôi/ Xuýt võng ru em của con“ hời hời một mai ai chớ …”
Thật khó có thể nói hết được tình cảm của một nhà thơ lớn như Xuân Diệu về quê hương. Với ông, quê hương, xứ sở sinh ra mình đã trở thành tâm hồn, khắc ghi trong tâm cảm: Một hương sắc đâu đây? Một cái gì nơi đó/ Mà theo ta không bỏ một giờ nào/ Có lẽ ấy là thiết tha tuổi nhỏ/ Có lẽ bởi vì những nỗi khổ đầu tiên…
Khi đọc thơ Xuân Diệu, trước tiên ta cảm nhận được sự gắn bó của con người Việt Nam với nơi sinh thành. Ta còn cảm nhận được những giá trị mà quê hương đem đến cho mỗi con người, những giá trị ấy là hành trang ta sẽ mang theo cả đời người. Và khi bắt rễ vào đến thẳm sâu Bình Định, tự mình Xuân Diệu đã tạo ra một không gian “thượng võ tôn văn” độc đáo, rất riêng mà có lẽ khi dạo bước ở đó ta sẽ cảm nhận rất rõ mình đang hít thở dưỡng khí quê nhà. Đó là lý do vì sao tôi viết hoa ở tiêu đề bài viết - Xuân Diệu ở quê Má!
NGÔ HỒNG SƠN