Họa sĩ Ðặng Mậu Tựu và triển lãm cá nhân “Quê Nẫu”: Trả ơn nơi sinh thành
Ðặng Mậu Tựu là người con xứ Nẫu. Ông ly hương năm 11 tuổi, trao duyên và gắn bó với Huế - mảnh đất khơi nguồn cho nhiều cảm thức sáng tạo với họa sĩ, vừa tròn sáu mươi năm. Ðể trở về nơi sinh thành đúng nghĩa như một đứa con ngóng chờ lúc được sà vào lòng mẹ, Ðặng Mậu Tựu chuẩn bị rất kỹ càng.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã có nhiều cuộc triển lãm cá nhân, ngay như năm 2023 ông cũng đã 2 lần tổ chức, nhưng lần này với ông rất đặc biệt. Đây là cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của ông trên quê hương - “Quê Nẫu” (Nau, my hometown) sẽ diễn ra từ ngày 20.12 đến 2.1.2024 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bình Định, số 1 Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn. Trước thềm triển lãm, họa sĩ Đặng Mậu Tựu đã trò chuyện thân tình với Báo Bình Định.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu
● Ông đã thực sự “về quê” với tư cách một họa sĩ bao giờ chưa?
- Tôi trở về lần đầu tiên vào năm 1972, nhưng đi cùng với một người bạn đường khác là họa sĩ Nguyễn Phan. Lần “về quê” thứ hai là cuộc triển lãm chung với hai họa sĩ người Bình Định: Lâm Triết và Phạm Trinh vào năm 2004. Tôi chưa có một chuyến “về quê” đúng nghĩa, chính thức cho riêng mình.
● Liệu “Quê Nẫu” có phải là một sự trở về với tâm thế tìm kiếm khoảng trống trong các ý tưởng sáng tạo hay là một hành trình lan tỏa và đắp bồi…
- Triển lãm lần này, tôi trở về là để trả ơn nơi sinh thành ra mình. Đúng sáu mươi năm, (trầm tư, xúc động…), gần một đời người, tôi như một đứa con xa nhà lâu ngày, chạy ào về với chái bếp, hay cái cổng ngõ quen thuộc, hoặc với những hình bóng thân thương chỉ còn là cát bụi, nhưng ôm mang dung chứa tôi gần như hết thảy mọi linh giác bằng bầu sữa mẹ vậy. (Họa sĩ nheo mắt say mê diễn giải về những hồi ức của quê hương qua một số bức tranh).
● Một cách cơ học liệu ta có thể chia tách các sáng tác của triển lãm này thành ba dòng chảy: Cảnh sắc quê hương qua ký ức, về sự vang bóng một thời trong những câu chuyện mang vết dấu của lịch sử - văn hóa và sự kết nối của quá khứ - hiện tại?
- Thật lòng mà nói tôi cũng không rõ nữa! Tôi mang theo nhiều hoài niệm và khi nhớ nghĩ về quê nhà rất nhiều dòng chảy lại dâng trào, thật khó nói đây là gì, dòng nào hơn dòng nào. Dù vậy, tất cả sáng tác lần này của tôi chung một cảm xúc, ấy là sự tròn đầy. Những bông hoa quê kiểng rực rỡ, cái chuồng bò, góc bếp, nếp nhà. Sự gặp gỡ của tôi với quê hương mang đến một sự tròn đầy của cảm xúc trong từng nét cọ. Sự tròn đầy của thực và hư, hoặc cảm giác lâng lâng như mỗi khi bắt tàu về quê vậy. Đó là cảm xúc của sự trả ơn như tôi đã nói. Tôi nghĩ, ít ra mình cũng làm được chút gì đó cho quê hương mình, nơi tôi đã sinh ra và hàm ơn. Quê hương luôn ở trong tôi, luôn đau đáu trong tâm khảm.
● Bản thân họa sĩ một cách phóng khoáng nhất có thể, xin chia sẻ về kết nối giữa Huế và Bình Định trong cuộc triển lãm này?
- Huế là quê hương thứ hai của tôi, một phần linh hồn của tôi gắn bó với Huế như một duyên nghiệp. Đôi lúc tôi tự nhận tôi hiểu Huế, cố nắm bắt cái hồn riêng của mảnh đất Thần kinh trong nỗ lực chạm vào. Nhưng, chắc chắn tôi vẫn là một người con của xứ dừa Bình Định, một người Bình Định yêu thương Huế - mảnh đất nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo của tôi.
Trong số tranh triển lãm lần này, mặc dù tôi vẽ về quê hương Bình Định, nhưng lại bao chứa cái tình Huế với gam màu ngũ sắc đặc trưng của Huế: Trắng, đỏ, vàng, xanh, đen, là sự ảnh hưởng rõ rệt nhất.
● Dường như không nhiều sáng tạo theo phong cách trừu tượng trong những tác phẩm sẽ có mặt ở “Quê Nẫu”…
-Tôi vẫn luôn tìm kiếm những thể nghiệm mới ở dòng tranh trừu tượng, nhưng trở về với quê hương lần này, tôi muốn mang về quê mình những gì thân thương, chân thực nhất, chất phác nhất. Bởi tôi sinh trưởng và lớn lên trong sự dịu ngọt của chính cái đời thường, giản dị ấy của xứ Nẫu. Thế nên lần này, với “Quê Nẫu” tôi cố gắng chạm đến nguồn cội trong vẻ thuần khiết nhất.
Nghệ thuật, với tôi, là một cánh cửa mà tôi có thể gửi gắm chút ưu tư. Quê hương là nơi mà tâm hồn tôi được tắm mát, dung dưỡng. Vậy nên, tôi muốn trình bày với quê hương những gì thuần hậu và giản dị hết mức có thể.
● Dường như ký ức đóng vai trò rất quan trọng trong sáng tác của ông?
- Theo tôi, tranh phải có câu chuyện, ở đó lịch sử và văn hóa là những giá trị kết tinh. Mỗi bức tranh của tôi là một câu chuyện ẩn chứa những suy ngẫm về thế giới mà tôi đã trải nghiệm, về sự tồn tại của mọi biến tấu nhân sinh hiện hữu ở sự đa chiều của không - thời gian trong đời sống này. Và dĩ nhiên, ký ức chính là một phần của thế giới quan ấy. Ký ức tạo dựng nên hình hài, ký ức dung dưỡng tâm hồn chúng ta và khiến nó trở nên lấp lánh hơn trong cuộc sống và trong cả sáng tạo nghệ thuật.
Đổ bánh xèo lúc mưa dông. Ảnh: NVCC
Với “Quê nẫu”, tôi đưa dòng hoài niệm, ký ức của mình về quê hương xen lẫn giữa cái cũ và cái mới, những dấu vết của ký ức văn hóa và lịch sử, chẳng hạn như “Kỷ vật quê tôi ai có nhớ”, “Khi nghĩ về những hồn Chiêm nữ”, “Ngậm ngùi hòn đá trắng chùa Thập Tháp”. Hoặc lối sống, sinh hoạt thường ngày như thú nằm võng. Hoặc gìn giữ bản sắc văn hóa trong ẩm thực của người dân xứ dừa Bình Định thông qua hội họa với các tác phẩm ăn hằng đêm, tráng bánh, đổ bánh xèo…
● Có vẻ như ông đang mời gọi thưởng ngoạn một bữa tiệc của ký ức. Vậy, kết nối của xứ Nẫu hiện tại với ông là gì?
- Tôi có cảm tưởng mình như cánh chim thiên di giữa hai bờ không gian: Huế - Bình Định và cả giữa hai bờ thời gian: Quá khứ quê hương yêu dấu mà tôi gìn giữ trong trí nhớ - trong sự đối sánh với những trải nghiệm thân thương gần đây của tôi trên chính quê hương mình. Sự kết nối thời gian có thể tìm thấy trong “Con đường mới qua đèo Ô Phi” hay “Động cát Đá Dựng đầu thôn Tân Phụng”, nơi tôi muốn thể hiện sức sống mới mẻ, nơi con đường vàng nắng với những cây cầu, con đường ngày xưa thế hệ chúng tôi từng ước mong. Quê hương tôi trầm lắng ngày xưa nay đã rộn ràng đầy khởi sắc, tôi muốn tranh của mình cũng mang một gam màu tươi sáng như vậy.
Con đường mới qua đèo Ô Phi. Ảnh: NVCC
Động cát Đá Dựng đầu thôn Tân Phụng. Ảnh: NVCC
● Xin cảm ơn và chúc họa sĩ thật nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui ở quê nhà xứ Nẫu.
Họa sĩ Ðặng Mậu Tựu sinh năm 1953 tại xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ. Năm 1964, ông rời Bình Ðịnh ra Huế học. Tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Huế năm 1972, ông chọn Huế lập nghiệp.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu từng giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Thừa Thiên Huế (2008 - 2014), Ủy viên Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, phụ trách khu vực miền Trung và Tây Nguyên (2009 - 2020). Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế.
Tranh của họa sĩ Ðặng Mậu Tựu đã giành được nhiều giải thưởng: Giải Bông sen trắng (Hội VHNT Bình Trị Thiên), Giải VHNT Cố đô lần I, Giải thưởng Nghệ sĩ danh dự khu vực ASEAN lần thứ 4 năm 2016… Ðến nay, ông đã tổ chức được nhiều triển lãm cá nhân và hàng chục triển lãm nhóm.
TRẦN BĂNG KHUÊ (Thực hiện)