Giữ tươi màu thổ cẩm truyền thống
Tại các buổi sinh hoạt cộng đồng, hội thi, hội diễn cồng chiêng, múa xoang… sắc màu thổ cẩm luôn là điểm nhấn đặc biệt. Ðể giữ tươi màu trang phục truyền thống, nhiều tổ phụ nữ dệt thổ cẩm đã ra đời.
Hội tụ đam mê với nghề truyền thống
Nói về tổ phụ nữ dệt thổ cẩm truyền thống, nhiều người thường nhắc đến các tổ ở làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh), xã Vĩnh Hiệp (huyện Vĩnh Thạnh). Từ thành công ấy gần đây, các tổ phụ nữ dệt thổ cẩm ở xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn), làng Klot-pok (thị trấn Vĩnh Thạnh) và xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) cũng lần lượt ra đời.
Chị Đinh Thị Hiền bên khung dệt thổ cẩm. Ảnh: T.K
Năm 2017, Tổ hội nghề dệt thổ cẩm ở xã Vĩnh Hiệp được nhiều người biết đến, có nhiều cơ hội và điều kiện tiếp cận khách hàng. Chị Đinh Thị Hiền (ở làng Thạnh Quang, Tổ trưởng Tổ hội nghề dệt thổ cẩm xã Vĩnh Hiệp), cho biết: “Nhờ được Nhà nước quan tâm hỗ trợ các điều kiện như: Thành lập tổ hội nghề nghiệp, tặng khung dệt, tập huấn dạy nghề… nên nghề dệt thổ cẩm ở địa phương được bảo tồn và phát triển. Nhiều chị em trẻ đã biết dệt thổ cẩm, sản phẩm bán cho du khách, thậm chí có một số nhà thiết kế thời trang ở Hà Nội cũng đặt mua hàng”.
Cùng với xã Vĩnh Hiệp, làng Hà Văn Trên cũng là nơi được đầu tư để phục hồi nghề dệt thổ cẩm khá sớm. Từ năm 2014, làng đã được hỗ trợ 50 khung dệt nhỏ và 15 khung dệt lớn cùng với máy may, máy vắt sổ và bàn ủi để người dân có thêm điều kiện giữ gìn, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm. Đến năm 2020, nhãn hiệu tập thể “vải thổ cẩm Hà Văn Trên” được chứng nhận. Năm 2022, Tổ liên kết dệt thổ cẩm của phụ nữ làng Hà Văn Trên được thành lập, tiếp thêm động lực để chính quyền cùng người dân chung tay gìn giữ nét đẹp văn hóa.
Mới đây, tháng 7.2023, Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh tổ chức ra mắt mô hình Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm truyền thống tại làng Klot-pok, với 15 chị tham gia. Chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ một số vật dụng như máy may, máy vắt sổ, len chỉ thêu. Mặc dù ban đầu chưa có nhiều đơn đặt hàng, nhưng đây là một trong những hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Bana Kriêm, tạo sự liên kết giữa việc sản xuất sản phẩm thổ cẩm và phát triển ngành du lịch tại địa phương”.
Trách nhiệm với văn hóa dân tộc
Là chủ nhiệm mô hình Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm truyền thống tại làng Klot-pok, chị Đinh Thị Thống cùng các chị em tràn đầy hứng khởi, hy vọng một ngày thổ cẩm của dân tộc Bana Kriêm sẽ được nhiều người biết đến. Chị Thống chia sẻ: “Để làm ra một sản phẩm thổ cẩm tốn khá nhiều thời gian. Đến nay, đây chưa phải là công việc tạo thu nhập chính, nhưng chúng tôi luôn cố gắng để góp sức bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.
Mô hình “Tổ phụ nữ dệt thổ cẩm truyền thống” tại làng Klot-pok. Ảnh: T.K
Cũng là nghệ nhân dệt thổ cẩm nòng cốt của làng Klot-pok, chị Đinh Thị Đem đã có hơn 40 năm bên khung dệt thổ cẩm. Chị là một trong những người hiếm hoi “sống được” nhờ nghề dệt thổ cẩm. Ngoài ra, chị thường xuyên hướng dẫn lớp trẻ của làng và học sinh ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vĩnh Thạnh dệt thổ cẩm. Chị Đinh Thị Đem chia sẻ: “Bên cạnh giá trị từ bản sắc văn hóa truyền thống, thổ cẩm còn gắn với kỷ niệm của tôi với mẹ và chị mình. Tôi sẽ cố gắng truyền dạy lại cho lớp trẻ tất cả những gì tôi biết về nghề dệt thổ cẩm, đó là trách nhiệm của người đi trước” .
Vừa là cán bộ xã, vừa là nghệ nhân dệt thổ cẩm, chị Đinh Thị Xuân Bông (ở làng Hà Văn Trên) có điều kiện lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng của bà con làng mình. Chị Bông cùng các nghệ nhân ở đây cải tiến mẫu mã và chất lượng để sản phẩm thổ cẩm của đồng bào Bana phù hợp với thị hiếu hôm nay, có chỗ đứng trên thị trường, được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, theo chị Bông, dù cải tiến để đến gần người tiêu dùng, nhưng cũng không được đánh mất bản sắc văn hóa truyền thống.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Yang Danh, người nặng lòng với văn hóa truyền thống, nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể, thời gian qua, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh được bảo tồn ngày càng tốt hơn. Việc Hội LHPN phối hợp với chính quyền các địa phương thành lập và hỗ trợ các tổ phụ nữ dệt thổ cẩm truyền thống là tín hiệu tốt để thổ cẩm có cơ hội được quảng bá, truyền dạy tốt hơn.
“Còn đối với các nghệ nhân, các giá, các mí, tôi hy vọng mọi người nỗ lực gìn giữ, trao truyền nghề dệt thổ cẩm truyền thống, thể hiện tình yêu, trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình”, ông Yang Danh chia sẻ.
THẢO KHUY