Cải thiện môi trường, phát triển sản xuất công nghiệp, du lịch
Đó là những giải pháp quan trọng được người đứng đầu các sở, ngành, địa phương nêu ra để thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2024, trong khuôn khổ Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH năm 2024, chiều nay.
Đại biểu dự hội nghị
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương: Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Năm 2024, ngành Công Thương phấn đấu đạt chỉ số sản xuất công nghiệp tăng từ 7 - 7,7% so với năm 2023; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội năm 2024 ước đạt 114.700 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 1,65 tỷ USD.
Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, ngành Công Thương tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp.
Theo đó, về phát triển công nghiệp, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN; đôn đốc các DN đẩy mạnh sản xuất, nhất là các mặt hàng, nhóm hàng đang có lợi thế về nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ. Tạo điều kiện giúp các DN xử lý hàng tồn kho, sớm tiếp cận vốn vay của ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính... nhằm giảm thời gian, chi phí cho DN. Tập trung chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi các nhà máy đang hoạt động, các nhà máy mới hoàn thành đi vào hoạt động trong năm 2023 và các dự án sản xuất công nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng dự kiến đưa vào hoạt động sản xuất trong năm 2024,… phát huy giá trị sản xuất hiện có, tạo ra giá trị sản xuất gia tăng mới đối với một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm cơ quan đầu mối trong công tác quản lý nhà nước đối với cụm công nghiệp; phối hợp với UBND các địa phương, các chủ đầu tư tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các CCN, nhất là hệ thống giao thông nội bộ, lưới điện, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường,... gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư các DN vào các cụm công nghiệp, nhất là các CCN mới thành lập.
Về thương mại nội địa, tiếp tục theo dõi tình hình thị trường hàng hóa để kịp thời ứng phó trong trường hợp thị trường có biến động. Tăng cường tần suất hỗ trợ xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và xúc tiến thương mại quốc gia. Triển khai các nhiệm vụ thuộc Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bình Định. Đưa ra các giải pháp gắn kết lưu thông với sản xuất, đẩy mạnh liên kết chuỗi nhằm kết nối cung cầu, đảm bảo ổn định từ khâu sản xuất hàng hóa đến tiêu thụ. Thu hút đầu tư các loại hình kinh doanh thương mại trong tỉnh đa dạng, phù hợp với quá trình phát triển hội nhập kinh tế quốc tế; chú trọng phát triển thương mại điện tử, tạo sự gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình thương mại truyền thống…
Về xuất khẩu, đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, nhất là các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại thị trường ngoài nước; hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, đặc biệt là các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu; tăng cường và đổi mới công tác thông tin thị trường để kịp thời cung cấp cho các hiệp hội, doanh nghiệp nắm bắt.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm
Để thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu của HĐND, UBND tỉnh giao cho ngành, góp phần hoàn thành chỉ tiêu chủ yếu phát triển KT-XH của tỉnh, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, năm 2024, ngành LĐ-TB&XH tập trung vào các nhiệm vụ cơ bản, như:
Một là, tập trung thực hiện 4 chỉ tiêu, gồm: Giải quyết việc làm, lao động qua đào tạo nghề, phát triển đối tượng tham gia BHXH, tỷ lệ hộ nghèo. Đơn cử, về chỉ tiêu giải quyết việc làm, ngành tập trung phát triển kinh tế thu hút đầu tư để giải quyết việc làm cho người lao động. Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động đến tận thôn/làng, nhằm tư vấn, giới thiệu, kết nối việc làm cho người lao động trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu lao động. Năm 2024, nhóm ngành nông lâm thủy sản là một trong những ngành tạo nhiều việc làm cho người lao động, do vậy sẽ tăng cường cho vay ưu đãi đối với người lao động khu vực này.
Bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH.
Đối với chỉ tiêu tỷ lệ hộ nghèo, Sở LĐ-TB&XH sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ người cao tuổi neo đơn không có khả năng lao động, người bị bệnh hiểm nghèo, người đơn thân nuôi con nhỏ không còn khả năng lao động, người tâm thần phân liệt, còn người thân có hoàn cảnh khó khăn đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn. Tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở… giúp các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho người có công với cách mạng; giải quyết chế độ chính sách cho đối tượng thanh niên xung phong không còn giấy tờ gốc và tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...
Nâng cao hiệu quả trợ giúp xã hội; thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội, chú trọng trợ giúp tại cộng đồng và nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc tại cơ sở tập trung. Tiếp tục triển khai việc xây dựng cơ sở dữ liệu lấy người dân và DN làm trung tâm, xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài với phương châm làm nhanh, gọn nhưng không nóng vội, làm chắc từng việc, từng cơ sở dữ liệu một, đi từ cơ sở, hoàn thành các cơ sở dữ đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em và bước cuối cùng là thị trường lao động.
Tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, tặng quà chăm lo Tết cho 100% đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ ở xã khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt…
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn: Ưu tiên thu hút đầu tư vào KKT Nhơn Hội, tập trung phát triển du lịch
Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đảngảng bộ thành phố lần thứ XIV, có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở các chỉ tiêu giao của tỉnh, UBND thành phố đề ra 20 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển KT-XH năm 2024.
Ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn
Chúng tôi tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đặc biệt, tập trung khuyến khích và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh doanh thương mại, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch. Tập trung quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư các DN mới, nhất là các DN có tiềm năng về vốn, công nghệ cao, thân thiện môi trường và tạo điều kiện cho những DN đã đi vào hoạt động mở rộng sản xuất kinh doanh; ưu tiên thu hút đầu tư vào khu kinh tế Nhơn Hội. Hoàn thiện Đề án di dời các DN trong CCN Quang Trung; triển khai thực hiện dự án mở rộng CCN Bùi Thị Xuân. Tổ chức Hội nghị đối thoại với các DN đang hoạt động, kinh doanh thương mại, xuất khẩu, dịch vụ, du lịch trên địa bàn TP Quy Nhơn lần thứ II - năm 2024. Trong đó, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ trên các lĩnh vực: Thuế, tình hình an ninh trật tự và công tác vệ sinh môi trường, giải phóng mặt bằng.
Cùng với đó, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư…; kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm, phát triển nhà ở tư nhân. Tăng cường công tác quản lý chất lượng các công trình xây dựng.
Với địa bàn du lịch trọng điểm, chúng tôi xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch TP Quy Nhơn năm 2024; tổ chức tốt chuỗi sự kiện Tuần lễ văn hóa - thể thao, carnaval và âm nhạc đường phố hưởng ứng Giải Đua thuyền máy Nhà nghề Quốc tế UIM-F1H20 và UIM-ABP Aquabike Binh Dinh 2024; tổ chức thực hiện Đề án Phố đi bộ Quy Nhơn, phương án di dời Chợ Đêm Quy Nhơn. Phối hợp thực hiện các lễ hội sự kiện trọng tâm của tỉnh tổ chức trên địa bàn thành phố. Tiếp tục thực hiện các dự án thuộc Kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại 4 xã, phường: Nhơn Hải, Nhơn Lý, Nhơn Châu, Ghềnh Ráng. Đồng thời, phối hợp tổ chức buổi giới thiệu các sản phẩm du lịch cộng đồng tại xã Nhơn Lý và Bãi Xép, phường Ghềnh Ráng để quảng bá, tuyên truyền cho du khách trong và ngoài tỉnh. Tập trung tổ chức tốt các hoạt động Mừng Đảng Mừng Xuân năm 2024 diễn ra trên địa bàn thành phố …
Thành phố triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách năm 2024, phấn đấu thu đạt và vượt chỉ tiêu được tỉnh giao; gắn kết quả thực hiện nhiệm vụ thu với việc phân bổ, giao dự toán chi ngân sách và trách nhiệm của người đứng đầu tại các xã, phường trên địa bàn. Tăng cường kiểm tra và xử lý các vi phạm trên lĩnh vực thuế; thực hiện tốt công tác thu hồi nợ đọng thuế kéo dài; tăng cường công tác chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Lập kế hoạch phát triển quỹ đất và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở để tạo nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của thành phố.
Tích cực phối hợp thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh triển khai trên địa bàn thành phố. Tập trung chỉ đạo hoàn thành dự án xử lý sạt lở mái taluy đường Nguyễn Tất Thành; xây dựng mới khu nhà điều trị - nhà hành chính của TTYT thành phố, hạ tầng kỹ thuật hai bên sông Hà Thanh (đoạn từ cầu Đôi đến cầu Hoa Lư)…
Đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và thi công các công trình trọng điểm. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị; xử lý lấn, chiếm đất đai trên địa bàn thành phố, tổ chức cưỡng chế vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng…
Xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện “Đề án phát triển thành phố Quy Nhơn trở thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng” theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh: Phát huy lợi thế KCN Becamex VSIP Bình Định để thu hút đầu tư cho Vân Canh
Năm 2023, huyện Vân Canh gặp rất nhiều khó khăn, đạt 9/14 chỉ tiêu phát triển KT-XH. Do đó, năm 2024, huyện tập trung tập trung quán triệt, bám sát các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, Huyện ủy, HĐNH huyện, tổ chức triển khai thực hiện đầy đủ, đúng kịch bản tăng trưởng KT-XH, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
Ông Lương Đình Tiên, Chủ tịch UBND huyện Vân Canh.
Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thúc đẩy thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP).
Đặc biệt, phát huy tiềm năng lợi thế của Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định để thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn huyện. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, mở rộng các CCN trên địa bàn gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư để nhanh chóng lấp đầy, tạo dư địa tăng trưởng công nghiệp ở địa phương trong năm 2024 và những năm tới; đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với công tác bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường. Chú trọng phát triển lĩnh vực thương mại - dịch vụ, hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn với tăng cường đầu tư, phát triển các khu vực, địa phương có lợi thế phát triển về dịch vụ, du lịch của huyện, nhất là các xã vùng cao, danh lam thắng cảnh.
Huyện cụ thể hóa quy hoạch vùng huyện, nhất là kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp mới, mở rộng cụm công nghiệp hiện hữu; tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác bồi thường GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án cụm công nghiệp mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, rút ngắn quy trình, thủ tục hành chính về thủ tục đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư vào huyện; chú trọng thu hút các dự án đầu tư về công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
Tăng cường công tác quản lý, khai thác nguồn thu, chống thất thu thuế, nhất là nguồn thu thuế công thương nghiệp - ngoài quốc doanh. Rà soát các nguồn thu tránh bỏ sót, bỏ lọt nguồn thu, đặc biệt khoản thu đối với DN. Phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan thực hiện tốt kế hoạch thu hồi, xử lý nợ đọng theo quy định.
Triển khai quyết liệt các giải pháp triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính.
Chúng tôi đề nghị các sở, ngành sớm thống nhất chủ trương quy hoạch mở rộng CCN thị trấn Vân Canh (phần diện tích mở rộng 38 ha) và bổ sung quy hoạch 5 CCN tại xã Canh Hiệp, Canh Hiển và Canh Vinh vào phương án phát triển CCN của tỉnh. Quan tâm điều chỉnh, bổ sung vào danh mục đào tạo ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn Vân Canh và một số huyện miền núi (ngoài 21 danh mục đã được phê duyệt). Đặc biệt, hỗ trợ kêu gọi thu hút các nhà đầu tư vào các dự án trên địa bàn huyện, thúc đẩy phát triển KT-XH, góp phần tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động.
Biểu dương 11 đơn vị, địa phương
Tại hội nghị, 11 sở, ngành, đơn vị, địa phương có nhiều nỗ lực, cố gắng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023, đặc biệt chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp đột phá, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương tăng trưởng và phát triển đã được UBND tỉnh biểu dương.
Cụ thể: Sở KH&ĐT, Sở NN&PTNT, Sở Du lịch, Sở Y tế, Sở LĐ-TB&XH, Sở Ngoại vụ, Bộ CHQS tỉnh, Cục Thuế tỉnh, UBND TX An Nhơn, UBND huyện Phù Cát và UBND huyện Tây Sơn.
NHÓM PV (ghi)