Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên khoáng sản
“Hoạt động khoáng sản phải tuân thủ đúng quy định pháp luật, phù hợp quy hoạch của tỉnh; đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH”. Ðây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh tại Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, tổ chức sáng 15.12.
Đảm bảo quy định, đáp ứng nhu cầu
Theo ông Trần Đình Chương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt và công bố 4 quy hoạch về thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường. Qua đó, trữ lượng các loại khoáng sản đủ để khai thác, phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong thời gian tới. Hiện trên địa bàn tỉnh có 138 giấy phép khai thác khoáng sản (GPKTKS) còn hiệu lực, hoạt động tập trung 4 loại chính là đá xây dựng; đá khối làm đá ốp lát; cát xây dựng và đất san lấp.
Riêng năm 2023, UBND tỉnh đã cấp 15 giấy phép thăm dò khoáng sản; 14 quyết định phê duyệt trữ lượng khoáng sản; 27 GPKTKS; 20 quyết định gia hạn khai thác; 11 quyết định điều chỉnh, bổ sung GPKTKS; 2 giấy phép chuyển nhượng quyền KTKS. Ngoài ra, UBND tỉnh cấp 20 bản xác nhận đăng ký khu vực, công suất khối lượng mỏ vật liệu cho các nhà thầu phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh. Việc cấp phép thăm dò, KTKS tuân thủ Luật Khoáng sản và các quy định pháp luật có liên quan.
Quang cảnh Hội nghị Nâng cao hiệu quả công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, diễn ra sáng 15.12. Ảnh: V.LỰC
Mặt khác, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT chủ động thực hiện đồng bộ công tác chuẩn bị mỏ đất, xác định vị trí mỏ đất để đưa vào dự án đầu tư trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cấp phép mỏ vật liệu phục vụ công trình trọng điểm và công trình sử dụng vốn ngân sách tỉnh. Đối với mỏ vật liệu phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam, việc cấp phép áp dụng theo cơ chế đặc thù của Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các nghị quyết, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ TN&MT.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tăng cường quản lý diện tích, kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động KTKS; nhất là các mỏ vật liệu phục vụ công trình trọng điểm và công trình sử dụng vốn ngân sách tỉnh.
Theo ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông tỉnh, đơn vị đã và đang lắp đặt hệ thống camera có chức năng đếm xe để quản lý việc khai thác, vận chuyển khoáng sản tại các mỏ vật liệu. Thời gian tới sẽ triển khai việc gắn cân tự động trên một số tuyến đường có hoạt động vận chuyển khoáng sản nhằm quản lý chặt chẽ khối lượng khai thác.
Còn ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND TX An Nhơn, cho hay: UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường phối hợp để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những trường hợp khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép. Thành lập đội liên ngành của thị xã phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh kiểm tra khối lượng khai thác của các chủ mỏ khoáng sản để tránh tình trạng thất thoát tài nguyên và nguồn thu thuế của nhà nước.
UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan, cùng chính quyền các địa phương tăng cường đồng bộ các giải pháp để quản lý, khai thác hiệu quả hơn nữa tài nguyên khoáng sản.
- Trong ảnh: Mỏ đất phục vụ Dự án cao tốc Bắc - Nam tại xã Tây Bình (huyện Tây Sơn). Ảnh: V.L
Sớm tháo gỡ vướng mắc
Dù UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và chính quyền các địa phương có nhiều nỗ lực, nhưng thực tế thời gian qua, hoạt động KTKS trên địa bàn tỉnh vẫn còn vướng mắc, tồn tại; ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện các dự án, công trình.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án 85 và Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc, thủ tục pháp lý để được cấp phép mỏ khoáng sản phải qua rất nhiều khâu, mất nhiều thời gian. Việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng, trồng rừng thay thế gặp nhiều khó khăn do trên địa bàn tỉnh không còn quỹ đất để trồng rừng thay thế.
Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, các DN, nhà thầu thi công phải tự thỏa thuận mức giá bồi thường với người dân khi sử dụng đất trồng rừng vào mục đích mỏ KTKS cũng khiến DN gặp khó. Một số trường hợp người dân là chủ sử dụng đất trồng rừng yêu cầu mức giá bồi thường đất cao gấp 2 - 3 lần so với thực tế. Điều này khiến DN không thể chấp nhận, dẫn tới việc cấp phép mỏ khoáng sản bị đình trệ, ảnh hưởng tiến độ thi công công trình.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh, tỉnh rất muốn “linh động”, rút ngắn thời gian cấp phép mỏ KTKS cho các DN, nhà thầu thi công, nhưng tất cả phải tuân thủ Luật Khoáng sản, Luật Lâm nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan. Đây là vấn đề liên quan đến ban hành văn bản luật nên cần chờ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung.
Thời gian tới, Sở TN&MT phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tiếp tục khảo sát các khu vực mỏ đủ điều kiện để đưa vào kế hoạch đấu giá; cấp phép KTKS nhằm đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban, ngành liên quan đẩy mạnh việc cải cách hành chính trong cấp phép hoạt động khoáng sản; công khai các thông tin cấp phép, quy hoạch khoáng sản, đấu giá quyền KTKS. Tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về KTKS, bảo vệ môi trường tại các khu vực mỏ. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản trái phép.
“Dù còn một số vướng mắc, tồn tại nhưng đáng mừng là trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng đầu cơ mỏ khoáng sản để thực hiện việc “găm hàng, đội giá”. Đây là nỗ lực đáng ghi nhận của các sở, ban, ngành liên quan và chính quyền địa phương trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản. Quan điểm của lãnh đạo tỉnh là hoạt động khoáng sản phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, phù hợp quy hoạch của tỉnh; đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh; tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH địa phương”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh.
VĂN LỰC