Giúp người dân hiểu rõ, sống đúng pháp luật
Là những người am hiểu về các phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của người dân địa phương, các tuyên truyền viên pháp luật thuận lợi tiếp cận, tuyên truyền và vận động người dân tộc thiểu số tuân thủ pháp luật, xây dựng gia đình hòa thuận, cộng đồng đoàn kết.
Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chủ yếu sống tập trung tại các huyện miền núi. Địa hình cách trở, một bộ phận người dân còn hạn chế trong tiếp cận chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trong khi đó, các hủ tục vẫn chưa được xóa bỏ triệt để, kéo theo đó là tình trạng vi phạm pháp luật, sa vào tệ nạn do thiếu hiểu biết. Bởi đây là một bộ phận không thể tách rời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc nên thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho bộ phận này được chú trọng.
Theo Sở Tư pháp, toàn tỉnh hiện có khoảng 400 tuyên truyền viên pháp luật tại cộng đồng DTTS. Họ là những già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng dân cư... tham gia tích cực vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương. Họ thường xuyên được tham gia tập huấn, phổ cập các kiến thức về pháp luật. Là người sinh sống tại địa phương, cùng chung ngôn ngữ, gần gũi với bà con, các tuyên truyền viên đã góp phần tích cực đưa pháp luật đến cơ sở, xây dựng nếp sống mới, với cộng đồng đoàn kết, tuân thủ pháp luật.
Ông Thanh Văn Huấn (thứ 2 từ trái sang) cùng CA xã Canh Hòa nắm bắt tình hình và giải đáp các thắc mắc về pháp luật cho người dân. Ảnh: C.HIẾU
Ông Thanh Văn Huấn, người có uy tín làng Canh Thành (xã Canh Hòa, huyện Vân Canh) cho biết, nhiều năm làm công tác hòa giải, ông nhận thấy có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp dẫn tới ẩu đả xuất phát từ việc thiếu hiểu biết pháp luật. Những mâu thuẫn xảy ra trên địa bàn chủ yếu là tranh chấp tài sản, nhất là tranh chấp đất đai. Để người dân tin và nghe theo, ông phải nghiên cứu kỹ các bộ luật liên quan, nắm chắc nội dung cốt lõi để giảng giải cho người dân nắm chắc và làm theo.
Ông Huấn kể lại, tháng 6.2023, ở làng Canh Thành có trường hợp em rể đánh anh vợ chấn thương vì tranh chấp đất đai. Vì không hiểu biết về Luật Đất đai, pháp luật về thừa kế nên đôi bên xảy ra xích mích, cho rằng đối phương đã chiếm đoạt tài sản do cha để lại, dẫn đến làm đơn khởi kiện. Nắm được tình hình, ông Huấn cùng trưởng làng đến hòa giải, giải thích cặn kẽ những quy định của pháp luật về thừa kế để đôi bên cùng biết. Nhờ đó, sau 2 lần hòa giải, đơn kiện đã được rút.
Nhiều trường hợp tương tự cũng tìm đến ông Huấn để được giải thích cặn kẽ pháp luật về thừa kế. Những hôm đi rẫy, tranh thủ giờ nghỉ trưa, ông ngồi chuyện trò cùng mọi người, phổ biến những quy định mới của pháp luật để người dân biết.
Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Chi bộ làng Hà Văn Trên (xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) kể, trong năm 2022, nhiều thanh thiếu niên tại địa phương mất việc ở Phú Yên phải quay trở về làng. Trong thời gian đó, tình hình ANTT bắt đầu có những xáo trộn; thanh niên tập trung chè chén say sưa, thậm chí dẫn đến xô xát đánh nhau. Ông Dũng cùng những người có uy tín khác tới nhắc nhở từng trường hợp, đồng thời tổ chức nhiều cuộc họp có sự tham dự của đông đảo bà con. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương đã bàn bạc, tìm cách giúp đỡ, hướng nghiệp cho số thanh niên này, giúp họ có công việc ổn định, tu chí làm ăn.
“Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả thật sự, các tuyên truyền viên phải hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người dân, đặc biệt là phải nắm chắc những tồn tại, hạn chế tại địa phương để đưa ra hướng giải quyết phù hợp”, ông Dũng nói.
Tương tự, già làng của thôn 7, xã An Vinh (huyện An Lão) Xâu Zoon cho hay, công tác phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương đã gặt hái được nhiều thành công. Trong đó, phải kể đến việc đẩy lùi các hủ tục, nhất là tảo hôn. Trong năm 2023, tại địa bàn xã An Vinh nói chung và tại thôn 7 nói riêng không xảy ra trường hợp tảo hôn. Tháng 6.2023, có trường hợp một gia đình ép con nghỉ học để lao động sớm, ông Zoon cùng chính quyền địa phương can thiệp, hỗ trợ giúp em đi học trở lại.
“Thành công lớn nhất của những tuyên truyền viên pháp luật như chúng tôi là nhận được sự đồng thuận và ủng hộ của người dân. Không chỉ hiểu luật, sống theo pháp luật, bà con còn tích cực tham gia các phong trào, công tác xã hội tại địa phương”, già làng Xâu Zoon nói.
X. QUỲNH - C. HIẾU