Giấc mơ mùa Giáng sinh…
* Truyện ngắn của Y NGUYÊN
Nhà thờ nằm ngay đoạn khá hẻo lánh, xung quanh bạt ngàn đất hoang, bạt ngàn những đám mắc cỡ tây, ta đủ loại chen nhau mọc, cây cao hơn đầu người, gai chông tua tủa. Căn nhà gỗ đơn sơ khiêm nhường nép dưới tán cây; nhác trông không khác mấy với các nhà dân thường thấy nơi vùng kinh tế mới. Duy nhất ở đầu hồi quay ra mặt tiền có cây thập tự khiêm nhường như tín hiệu đánh dấu để khách bộ hành từ xa dễ nhận ra.
Xã núi mới thành lập, dân xóm đa phần được đưa lên theo chính sách giãn dân từ thành phố, cộng gồm thêm một số di dân tự do. Mới khai thiên lập địa đương nhiên dân xã đa phần nghèo rớt. Nghèo. Thưa thớt. Nhưng chẳng biết tình cờ sao mà dân tụ tập về đây có đến một phần ba là tín đồ Công giáo. Giáo dân đông khiến nhu cầu đọc kinh, đi lễ hằng tuần trở thành nhu cầu bức thiết. Ban đầu nhà thờ không có, giáo dân cứ đến chủ nhật phải rủ họp tại các nhà riêng hành lễ, đọc kinh. Nay nhà này mai nhà khác, chật chội bất tiện vô cùng. Đơn thỉnh nguyện được gửi tới chính quyền. Nhu cầu chính đáng. Chính quyền đồng ý cấp đất; nhưng kinh phí dựng xây thì bổn đạo phải tự lo liệu. Xứ đạo có dúm người lại nghèo rớt mồng tơi, tiền bạc đâu có nhiều mà quyên góp đủ để dựng xây? Vậy là chạy vạy vận động ngược xuôi, kiến tha lâu đầy tổ; tích cóp vài ba năm cuối cùng cũng dựng được ngôi nhà thờ nho nhỏ. Nhỏ nhưng gọn gàng ấm cúng, đáp ứng đợi mong cho những tấm lòng con chiên ngoan đạo muốn có một ngôi nhà chung để tiện đi về…
Nhà thờ không có cha xứ; chỉ có một giáo dân trưởng tràng và ban hành giáo tự bầu coi quản. Người giáo dân đặc biệt ấy là bác K. Đặc biệt; bởi bác chính là người đã xung phong đứng ra đại diện cộng đồng giáo dân gửi đơn lên chính quyền xin đất. Còn nữa, cũng chính bác đại diện cộng đồng giáo dân ngược xuôi đi vận động từ phố đến quê đóng góp mọi thứ để ngôi nhà thờ được mọc lên. Trước sau đều là hành động thiện nguyện không có thù lao. Ngoan đạo, trí thức và nhiệt tâm, người giáo dân “vác tù và hàng tổng” ấy đã được cộng đồng giáo dân tin yêu, xem như “thủ lĩnh tinh thần” giao cho toàn quyền coi sóc, cắt đặt mọi việc trong ngoài nơi ngôi nhà của Chúa…
Tranh của họa sĩ TRƯƠNG ĐÌNH DUNG
2. Tôi lên núi công tác. Hôn nhân lỡ làng, thua buồn thế sự nên muốn trốn đời trốn người. Ngoài ngày hai buổi đến cơ quan, về nhà mẹ con cứ ru rú trong ngôi nhà nhỏ của mình, không muốn gặp gỡ ai hay đi bất cứ đâu. Tới nhà thờ lại càng không do tôi vốn là Phật tử! Vậy nhưng nhân duyên đưa đẩy, một ngày tôi bị trượt chân sai khớp, bong gân. Người ta chỉ tới bác K, bảo bác có nghề nắn sửa và đắp thuốc chữa bong gân rất hay. Hay thật; cái chân tôi sau nửa tiếng đồng hồ được bác loay hoay xử lí đã êm thấy rõ. Gửi tiền thù lao bác không nhận. Ai lại lấy tiền cô giáo, thầy dạy học cho các con các cháu! Giúp được cô là tui mừng rồi… Cảm nghĩa ngồi trò chuyện thêm; tới lúc về còn được bác ân cần nhắc cho cái hẹn tái khám. Tôi tới nhà lần nữa, kinh ngạc khi gặp chị bưu tá ghé giao sách, báo. Té ra bác K là trí thức thứ thiệt. Đọc rất nhiều. Còn đặt mua dài hạn vài tờ báo: Tuổi trẻ, Thanh niên, Nông nghiệp Việt Nam…. Chưa hết; thi thoảng có cả bài cộng tác trên chuyên mục “Văn hóa xã hội” hoặc “Bạn đọc viết” nữa mới ghê! Đất núi hiếm người có chữ; tôi với bác dần dà thành bạn vong niên, lâu lâu lại gặp nhau đàm đạo.
Kì lạ thay, bác K tuổi đã bảy lăm, phần tôi mới quá ngưỡng ba mươi; vậy nhưng cứ giáp mặt là tương đắc không hết chuyện! Thêm cô cháu gái của bác là đồng nghiệp với tôi nên giao tình càng thân thiết. Chuyện giữa hai bác cháu cứ xoay vòng - từ thế thái nhân tình đến triết lí, văn chương; nhưng tuyệt không khi nào nghe bác đụng chạm tới vấn đề tôn giáo. Môn thế sự nào bác cũng hiểu nhiều biết rộng, nhìn nhận sự vật bằng tâm thế có lí có tình. Cung cách của một con người điềm đạm, hiểu biết, trải nhiều cay đắng cuộc đời nhưng không sa vào phẫn nộ hoặc chán chường bi quan; vẫn một lòng tin nơi Chân Thiện Mĩ…
Tôi thấy lòng mình nhẹ hơn, an hơn sau những cuộc trò chuyện ấy. Có lần trống tiết, tôi xa gần hỏi Diễm - cháu gái bác - về chuyện cả xã ai cũng thấy lạ nhưng không biết lí do: Tại sao chỉ mẹ con Diễm ở với ông ngoại (bác K) mà không thấy bà ngoại và ba Diễm… Cô đồng nghiệp đàn em cởi mở chuyện nhà không giấu diếm: Bà ngoại em mất sớm - hồi mẹ mới được hai tuổi hơn. Ông ngoại không đi bước nữa, ở vậy gà trống nuôi con. Sau này khi mẹ em lấy chồng, có gia tư riêng, ông ngoại vẫn sống một mình, ngày ngày lui tới nhà thờ giúp việc các Cha, làm phận sự một con chiên ngoan đạo. Tới lúc ba em bỏ nhà đi (mặt Diễm thoáng buồn), mẹ không trụ nổi cùng gian khó, cô đơn đành ôm con về tá túc với ngoại. Chấn thương tâm lí quá lớn khiến nhiều năm trôi qua mẹ vẫn không thể bình tâm sống tốt. Do vậy nên - có đợt Nhà nước kêu gọi di dân - ông ngoại quyết định đăng kí đưa cả nhà cùng đi, hi vọng cảnh mới, người mới sẽ giúp chữa lành vết thương lòng cho con gái. Hình như ông nghĩ đúng. Đất mới không phụ người đặt niềm tin; mẹ em đã dần bình phục, ổn định tâm lí. Chịu thương chịu khó làm ăn rồi kinh tế cũng khấm khá dần. Riêng em ngoại không cho đi làm, bắt phải tập trung vào học, còn kèm cặp thêm ngoài kiến thức trường lớp. Mẹ con em được như hôm nay tất cả là nhờ ngoại…. Mắt Diễm rơm rớm. Tôi đánh trống lảng: Mẹ em còn trẻ, ba biệt tích lâu vậy rồi sao mẹ không nghĩ chuyện… tái hôn? Có; ông ngoại cũng khuyên nhưng mẹ trả lời ông: Mẹ mất, ba ở vậy vì con sao giờ con có thể bỏ con gái, bỏ cha già để đi tìm hạnh phúc riêng… Huống chi ba con Diễm chắc gì đã chết?…
Quả “hổ phụ sinh hổ tử”! Càng nghe kể tôi càng thấy kính nể những thành viên kì lạ - lặng thầm mà đầy bản lĩnh - của gia đình người trưởng tràng đang phụng sự trong ngôi nhà của Chúa. Bác K, người bạn vong niên kì dị, dần trở thành tri âm của tôi lúc nào không hay. Tôi chui ra khỏi vỏ ốc của mình, lần đầu ghé thăm ngôi nhà thờ trên núi theo lời mời của bác K. Đơn sơ, thoáng đãng, tôn nghiêm; nhà thờ mang đến cho tôi cảm giác thân thiện, dễ thương như chính con người bác K. Cũng là ảnh, tượng Chúa Cứu Thế, Đức mẹ Đồng trinh và các Thánh; nhưng bài trí theo cung cách thể hiện cái “gout” thẩm mĩ cao - quan trọng hơn là đầy tính nhân văn - của người thiết kế. Nhớ có lần tôi thắc mắc với bác K: Bác là tín đồ Công giáo mà chuyện trò sao không khi nào nghe bác chia sẻ về tôn giáo? Bác K cười: Có đấy; tại cô giáo không để ý. Đạo có gì đâu xa; Đạo chính là Đời…. À, tư tưởng “Đời Đạo bất phân” thì một Phật tử như tôi đã từng nghe biết. Cái bất ngờ là tôi lại được nghe ra từ miệng một tín đồ đang hết lòng phụng sự Chúa.
Hóa ra những tinh hoa tư tưởng nhân loại đều hội tụ về một điểm. Bấc giác tôi, một tín đồ Phật giáo, bắt gặp mình đang chắp tay cúi đầu hành lễ nghiêm trang trước thập giá của Đấng Jesus Christ. Thành ý thành tâm như khi đang hành lễ trước Phật đài…
3.Giáng sinh năm nay, tôi dự định đưa con trai đi nhà thờ xem lễ.
Chơi vui, xem hát múa đã đành; nhưng nghe nói còn có tiết mục phát quà Giáng sinh cho hết thảy trẻ em trong xã, không phân biệt có đạo hay không đạo, cũng chẳng phân biệt giàu nghèo. Phải thôi; trong mắt Chúa nhân từ, trẻ con đứa nào chẳng được yêu thương, chăm sóc như nhau, làm gì có tâm phân biệt! Hỏi ra mới biết: Chương trình ấy thực hiện, duy trì được lâu nay là nhờ “công quả” của bác K cùng ban hành giáo tích cực vận động, đi xin kinh phí nhiều nơi góp lại. Chính quyền luôn ủng hộ những việc tốt đời đẹp đạo; làng xóm lương giáo hoan nghênh và lũ trẻ con háo hức chờ tới Giáng sinh! Giữa mùa đông lạnh giá trên một vùng kinh tế mới heo hút xóm làng không dưng lại rực lên ấm áp tình đoàn kết cộng đồng.
***
Đêm trước Giáng sinh tôi mơ một giấc mơ đẹp. Trong mơ tôi thấy mình gặp Diễm, được cô hồ hởi báo tin: Ba cô đã tìm về sau ngần ấy năm lưu lạc, đúng mùa Giáng sinh…