Chủ động nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch
Mong muốn tiếp tục làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” và tăng tính chuyên nghiệp, nhiều cơ sở lưu trú đã tích cực phối hợp với ngành du lịch tăng cường kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ nhân viên lễ tân, buồng, bàn...
Gặp anh Lưu Xuân Hòa, nhân viên buồng phòng của Khách sạn Mỹ Tiến (TP Quy Nhơn), thấy anh không còn vẻ tất bật thường thấy của những tháng trước nữa; thêm vào đó, theo nhận xét của người quản lý khách sạn này, chất lượng công việc của anh cũng tốt hơn trước rất nhiều, được một số khách hàng khen ngợi. Anh Hòa phấn khởi cho biết, mình đã tiến một bước dài trong nghiệp vụ thời gian qua. “Trước đây, tôi mất đến 25 phút để làm một giường, giờ rút ngắn còn 8 phút, mà kết quả lại tốt hơn. Một điều tâm đắc khác là tôi biết cách lắng nghe, đoán và hiểu ý khách, thỏa thuận được với khách những tình huống phát sinh ngoài ý muốn”, anh Hòa chia sẻ.
Ở Khách sạn Center Quy Nhơn (TP Quy Nhơn), chị Nguyễn Anh Thi, quản lý khách sạn, thừa nhận, mình từng xử lý không ít tình huống rất cảm tính, khiến một số khách không thật sự hài lòng. Sau thời gian tích cực học hỏi, tham gia các lớp đào tạo, chị nhận ra, khách luôn có cái lý của khách. Vậy là, chị tự thay đổi mình trước, theo đó, những tình huống phàn nàn tương tự trước đây được chị giải quyết một cách thỏa đáng hơn, làm khách hài lòng hơn. “Thật sự, có được một khách mới đã khó, giữ chân một khách cũ càng khó hơn. Vậy nên, tôi chú trọng vào việc nâng cao chất lượng phục vụ, từ chính bản thân mình và đội ngũ nhân viên để tạo cạnh tranh và thu hút”, chị Thi cho hay.
Nhân viên các cơ sở lưu trú được “chuẩn hóa” khi tham gia các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch. Ảnh: N.T
Nhu cầu và nỗ lực nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tự thân trong từng nhân viên, cán bộ quản lý cơ sở lưu trú thật sự là một tín hiệu vui cho triển vọng phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của tỉnh. Bởi trên thực tế, đội ngũ lao động trong ngành du lịch nói chung và trong lĩnh vực lưu trú nói riêng của tỉnh còn thiếu và còn nhiều hạn chế về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. Một thực tế khác là không ít chủ khách sạn có tư duy rằng, khách sạn của mình nhỏ, ít sao, cố gắng phục vụ được bao nhiêu thì được, không cần chuyên nghiệp như những khách sạn lớn.
Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, cách nghĩ, cách làm như vậy không còn phù hợp với thực tế. “Chính vì mình là khách sạn nhỏ thì càng phải thật chỉn chu, để thu hút khách mới và giữ chân khách cũ. Hãy làm cho khách nhận ra, khách sạn 1 sao nhưng chất lượng nhân viên đạt đến hạng 4 - 5 sao, khiến họ muốn quay lại. Thật ra, trong môi trường nhỏ, cán bộ quản lý và nhân viên khách sạn sẽ học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ nhau được rất nhiều điều, để cùng phát triển khách sạn”, giảng viên Nguyễn Thị Hồng Loan (Trường Trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigontourist, TP Hồ Chí Minh) tư vấn.
Theo thống kê của Sở Du lịch, Bình Định hiện có 430 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 13.619 phòng. Tổng số người lao động trực tiếp trong ngành du lịch khoảng 9.000 người. Trong đó, lao động làm việc trong lĩnh vực lưu trú khoảng 6.000 người.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch với các tập đoàn, đơn vị du lịch lớn, trong đó chú trọng khâu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tháng 3.2023, UBND tỉnh và Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV (Saigontourist Group) ký Thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025. Từ đó đến nay, Sở Du lịch đã tổ chức 7 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch (lễ tân, buồng phòng và nhà hàng) cho hơn 250 nhân viên các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 lớp phát sinh nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của các cơ sở lưu trú.
Theo ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch, tinh thần cầu thị thay đổi trong từng người lao động, cán bộ quản lý, chủ công ty du lịch, cơ sở lưu trú như thời gian qua là những tín hiệu đáng phấn khởi, hứa hẹn chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh sẽ có chuyển biến tích cực thời gian tới.
“Cùng với nỗ lực thu hút của tỉnh, sự đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò rất quan trọng. Trong năm tới, Sở Du lịch sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh tổ chức thêm nhiều lớp đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng thiết thực, đáp ứng nhu cầu của các công ty du lịch, cơ sở lưu trú”, ông Thanh cho hay.
NGỌC TÚ