Lung linh sắc màu không gian văn hóa cồng chiêng
(BĐ) - Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II - 2023 với chủ đề “Âm vang nhịp điệu núi rừng” tổ chức vào tối 16.12, tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn) đã khai hội thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng sâu lắng đầy ý nghĩa.
Tiết mục Bác Hồ kính yêu và mừng Đảng, mừng xuân do đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định biểu diễn.
Dự lễ khai mạc Liên hoan có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thị Phong Vũ - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; lãnh đạo UBND các huyện tham gia Liên hoan.
Lãnh đạo tỉnh dự Liên hoan.
Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II - 2023 do UBND tỉnh tổ chức, với sự tham gia của 242 nghệ nhân, diễn viên, học sinh của các đội cồng chiêng đến từ huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân và Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định.
Phát biểu khai mạc Liên hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước với ý chí kiên cường, bất khuất trong lao động, đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên dải đất Việt Nam đã sáng tạo, vun đắp nên kho tàng di sản văn hóa độc đáo. Những nét văn hóa đặc sắc ấy luôn được giữ gìn, bảo tồn, kế thừa, phát huy giá trị. Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định được hình thành, phát triển và lưu giữ trong sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, trang phục, nghi thức lễ hội, tín ngưỡng dân gian… Đây là di sản văn hóa quý giá, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn phát biểu khai mạc Liên hoan.
Lãnh đạo tỉnh tặng cờ lưu niệm, hoa cho các đoàn tham gia Liên hoan.
Bình Định là nơi hội tụ và giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em trong khu vực. Ngoài dân tộc Kinh chiếm đa số, tỉnh Bình Định hiện có 39 dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó, chủ yếu là dân tộc Chăm H’roi, Bana, H’re với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và tinh thần thượng võ của văn hóa Bình Định. Những bản sắc văn hoá riêng đó đã trở thành nếp sống, các chuẩn giá trị được đồng bào giữ gìn và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định đang lưu giữ vốn văn hóa phi vật thể với kho tàng nghi lễ, lễ hội truyền thống, hòa quyện với hệ thống nhạc lễ, nhạc cụ và các làn điệu dân ca, dân vũ; trong đó, cồng chiêng là nhạc cụ diễn tấu dân gian quan trọng, mang nhiều giá trị văn hóa gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần và tâm linh.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Định luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định, giai đoạn 2021 - 2030, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Qua đó, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc thiểu số trong xây dựng, phát triển đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định: “Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ II - 2023 là sự kiện có ý nghĩa văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Định đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021”.
Sau lễ khai mạc, các đoàn đã mang đến 7 tiết mục biểu diễn đặc sắc với những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc Chăm H’roi, Bana, H’re thông qua phần thể hiện khéo léo, tài hoa của các diễn viên, nghệ nhân, như: Nhạc hội trong Lễ cúng đổ đầu mừng năm mới; Mừng chiến thắng; Làng H’rê vui hội; Bác Hồ kính yêu và mừng Đảng, mừng xuân; Chiêng mừng - Âm vang Đak Mang; Mừng được mùa; Vui cùng Ngày hội giới thiệu nét văn hóa phong phú, độc đáo trong không gian văn hóa cồng chiêng lung linh đầy màu sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước, thắt chặt tinh thần đoàn kết dân tộc cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương Bình Định ngày càng giàu đẹp.
Tiết mục Nhạc hội trong Lễ cúng đổ đầu mừng năm mới của đoàn Vân Canh.
Phần trình diễn của đoàn Tây Sơn với tiết mục Mừng chiến thắng.
Tiết mục trình diễn Làng H’rê vui hội của đoàn An Lão
Phần trình diễn của đoàn Hoài Ân với tiết mục Chiêng mừng - Âm vang Đak Mang.
Tiết mục Mừng được mùa do đoàn Phù Cát biểu diễn.
Phần trình diễn của đoàn Vĩnh Thạnh với tiết mục Vui cùng Ngày hội.
Chương trình còn đan xen nhiều tiết mục hát múa, biểu diễn võ cổ truyền do các ca sĩ, võ sinh đến từ Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San (tỉnh Gia Lai), Nhà hát ca múa nhạc dân gian Sao Biển (tỉnh Phú Yên) và Trung tâm văn hoá tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền tỉnh biểu diễn tạo không khí sôi động, tăng thêm tính hấp dẫn làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trên quê hương Bình Định tại Liên hoan.
Chương trình còn có các tiết mục hát múa, biểu diễn võ cổ truyền tạo không khí vui tươi, tăng tính hấp dẫn tại Liên hoan.
Kết thúc Liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải A cho đoàn Vĩnh Thạnh; 2 giải B được trao cho đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định và huyện An Lão; 4 đoàn Vân Canh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân nhận giải C.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng (bìa phải) trao giải A cho đoàn Vinh Thạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (giữa) trao giải B được trao cho 2 đoàn Trường Phổ thông dân tộc nội trú - THPT Bình Định và huyện An Lão
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang (giữa) trao giải C cho 4 đoàn Vân Canh, Tây Sơn, Phù Cát, Hoài Ân.
Theo Ban tổ chức, so với Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định lần thứ I - 2019, Liên hoan năm nay được các địa phương, đơn vị quan tâm đầu tư rất bài bản, từ khâu chọn tiết mục, lên kịch bản dàn dựng, tập luyện đến phần biểu diễn trên sân khấu; đặc biệt Liên hoan thu hút rất đông lực lượng trẻ tham gia. Đây là dịp để các diễn viên, nghệ nhân cồng chiêng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong việc phục hồi, truyền dạy và phát huy nghệ thuật cồng chiêng đặc sắc của các dân tộc. Qua đó, các đoàn tiếp tục phát huy những tiết mục trình diễn tại Liên hoan lần này để đưa về địa phương phục vụ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, tiếp tục nhân rộng các mô hình CLB, đội cồng chiêng tiêu biểu, nòng cốt ở các địa phương đóng góp vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Liên hoan khép lại đã để lại ấn tượng sâu lắng trong đêm hội lung linh sắc màu văn hóa cồng chiêng.
Trước giờ khai mạc, trời mưa nhưng khán giả vẫn xem và cổ vũ nhiệt tình cho các đoàn tham gia Liên hoan.
NGỌC NHUẬN - NGUYỄN DŨNG