Không gây khó khăn khi chuyển tuyến bệnh nhân
Bỏ hay vẫn duy trì giấy chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT vẫn là vấn đề “nóng” với nhiều ý kiến trái chiều. Tại Bình Ðịnh, Sở Y tế quán triệt cơ sở y tế thực hiện đúng quy định chuyên môn về chuyển tuyến, không giữ bệnh vượt quá khả năng xử lý, không gây khó trong cấp giấy chuyển viện.
Không phải là chuyện mới khi thủ tục chuyển viện, chuyển tuyến vẫn tồn tại những khó khăn, vướng mắc nhất định. Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2023, đã có đại biểu “xới” lại với đề xuất bãi bỏ giấy chuyển viện, đẩy mạnh thông tuyến tạo thuận lợi cho người dân khám, chữa bệnh (KCB).
Chưa thể bỏ, nhưng còn… bất cập
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CKII Trần Quốc Việt, Giám đốc BVĐK khu vực Bồng Sơn (TX Hoài Nhơn), cho biết tỷ lệ chuyển tuyến điều trị toàn viện của bệnh viện khoảng hơn 6%, chuyển viện nội trú chiếm 4,6%. Hiện, giấy chuyển tuyến người bệnh còn là chuyển BHYT theo phân tuyến y tế. Nếu không có giấy chuyển tuyến, bệnh nhân thường có tâm lý lên tuyến tỉnh, Trung ương KCB, gây quá tải vì phải dồn lực điều trị bệnh thông thường, trong khi không còn nguồn lực điều trị những bệnh lý phức tạp, chuyên sâu; đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng đến quỹ BHYT. Ngược lại, tuyến cơ sở sẽ giảm khả năng tiếp cận người bệnh và phát triển chuyên môn, tạo khoảng cách ngày càng xa về chuyên môn kỹ thuật và lãng phí nguồn lực… khó quản lý được chi phí KCB.
Mặt khác, điều rất quan trọng, giấy chuyển viện còn là biên bản bàn giao bệnh nhân và tình trạng bệnh giữa các tuyến y tế. Vì thế, chưa thể bỏ được giấy chuyển viện khi chưa chuẩn hóa về thông tin điều trị của bệnh nhân, thực tế này đòi hỏi phải có sự thay đổi về công tác chuyển tuyến, nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân, đồng thời giữ ổn định hệ thống y tế và quỹ BHYT.
“Tuy nhiên, theo quy định trong quá trình thực hiện giấy chuyển viện để chuyển tuyến điều trị cho bệnh nhân phát sinh nhiều bất cập như: Quy định đăng ký KCB ban đầu còn máy móc, chưa thuận lợi cho người bệnh; ở một số cơ sở KCB có tình trạng gây phiền hà trong thủ tục, khiến bệnh nhân phải đi lại nhiều lần, tốn kém”, bác sĩ Việt nói.
Bác sĩ CKII Ngô Xuân Thế, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh, cho hay: Trên thực tế, ngay cả việc tiếp nhận bệnh nhân chuyển tuyến theo quy định từ cơ sở KCB tuyến dưới lên như hiện nay cũng đã khiến BVĐK tỉnh quá tải. Bên cạnh đó, thủ tục chuyển tuyến hiện còn vướng về quy định phải có chữ ký của người có thẩm quyền chuyển tuyến và con dấu của cơ quan. Việc trình ký và đóng dấu mất nhiều thời gian do phạm vi BVĐK tỉnh rất rộng và chỉ có 1 con dấu cơ quan theo quy định.
Bệnh viện trong tỉnh tăng cường cử nhân lực đi đào tạo, nhận chuyển giao kỹ thuật điều trị tại bệnh viện Trung ương. Ảnh: M.H
“Nâng chất” tuyến dưới “giữ chân” bệnh nhân
Năm 2022, trong số 127.072 người bệnh đến KCB tại TTYT TX An Nhơn, có 8.605 trường hợp chuyển viện lên tuyến trên, chiếm 6,2%. Năm 2023, trong 150.490 người bệnh đến KCB có 9.382 trường hợp chuyển tuyến, chiếm 6,7%. Giám đốc trung tâm Lê Thái Bình cho hay: Chúng tôi chú trọng cử bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng tham dự các khóa đào tạo chuyên khoa và kỹ thuật, để đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của người dân. Đồng thời, mời BVĐK tỉnh về chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ y, bác sĩ trung tâm.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, theo quy định mới của Nghị định 75/2023/NĐ-CP bỏ quy định về tổng mức chi khám chữa bệnh BHYT, triển khai thực hiện từ ngày 3.12.2023, như vậy, các cơ sở y tế tuyến dưới cũng bớt đi một gánh nặng về tài chính, từ đó việc chuyển bệnh nhân phần nào được giải quyết tốt hơn. Tuy vậy, điều quan trọng là các cơ sở y tế tuyến dưới phải được nâng cao trình độ chuyên môn, có vậy mới tạo được tâm lý tin tưởng để “giữ chân” được bệnh nhân.
Nhiều năm nay, BVĐK khu vực Bồng Sơn tăng cường triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB và phục vụ bệnh nhân. Bệnh viện tổ chức sinh hoạt chuyên môn, hội chẩn trực tuyến với BVĐK tỉnh, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; ký kết biên bản ghi nhớ về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật với Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; tổ chức đoàn đi đào tạo và nhận chuyển giao kỹ thuật tại Bệnh viện Thống Nhất TP Hồ Chí Minh…
“Cùng với đó, chúng tôi tăng cường công tác chỉ đạo tuyến cho tuyến dưới tại TTYT TX Hoài Nhơn về các lĩnh vực sản, ngoại chấn thương - thần kinh, hồi sức, xét nghiệm; tăng cường bác sĩ chuyên khoa Ngoại cho TTYT TX Hoài Nhơn, TTYT huyện Phù Mỹ để nâng cao chuyên môn cho các bác sĩ tại đây”, bác sĩ Việt nhấn mạnh.
Yêu cầu thực hiện đúng các quy định chuyển tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc và cơ sở y tế ngoài công lập không giữ người bệnh khi vượt quá khả năng chuyên môn và năng lực xử lý ca bệnh. Các cơ sở cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin trong thực hiện chuyển tuyến, chuyển viện, không gây khó khăn trong việc cấp giấy; tăng cường kiểm tra, rà soát kịp thời phát hiện các hành vi gây khó khăn cho người bệnh trong chuyển tuyến. Đáng chú ý, triển khai các hoạt động, chương trình, đề án về chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân chuyển cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật để nâng cao năng lực chuyên môn của tuyến dưới, giảm tỷ lệ chuyển tuyến.
MAI HOÀNG