Biến rác thải hữu cơ thành phân bón
Theo sự giới thiệu của Hội LHPN xã Nhơn Lộc, chúng tôi đến nhà chị Trương Thị Mười, hội viên phụ nữ thôn Tân Lập (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn). Chị Mười là người tiên phong thực hiện ủ men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ để làm phân bón, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, chị còn sử dụng mạng xã hội Facebook để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ về men vi sinh với những hội viên khác, nhằm tăng hiệu quả mô hình, bảo vệ môi trường trên phạm vi rộng hơn. Vừa qua, chị vinh dự được Chủ tịch UBND TX An Nhơn tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Chị Mười ủ rác thải hữu cơ bằng men vi sinh để làm phân bón. Ảnh: V.L
Để góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao và xây dựng mô hình “Khu dân cư không rác thải” tại địa phương, sau khi được dự lớp tập huấn do Hội LHPN TX An Nhơn phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) tổ chức về cách làm men vi sinh, chị Mười đã mày mò để cho ra sản phẩm men vi sinh xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón cho cây trồng.
Mỗi ngày chị Mười thực hiện phân loại rác, các loại vỏ bánh kẹo, mì tôm, bì ny lông... gom lại đưa đi xử lý tại bãi rác thải tập trung; còn các loại rác hữu cơ được để riêng rồi dùng men vi sinh phun tưới, đem ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Chị Mười chia sẻ: Men vi sinh rất dễ làm, chủ yếu bằng những nguyên liệu có sẵn ở nhà nông như chuối, đường, cám gạo, sữa chua, nước sạch ủ trong 15 ngày, mỗi ngày quấy một lần, sau đó đem tưới vào rác thải, ủ thêm ít lâu nữa là sẽ thành phân hữu cơ. Từ khi tự làm phân hữu cơ tôi không dùng phân bón vô cơ cho các loại rau, hoa nữa.
Với mong muốn nhân rộng mô hình, tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị Mười đến các gia đình trong thôn hướng dẫn mọi người phân loại rác thải, làm men vi sinh và cách sử dụng. Nhờ sự tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm trong tuyên truyền, đến nay chị Mười cùng Chi hội vận động được 100% hộ tại địa phương thực hiện phân loại rác thải, trong đó có nhiều hộ tham gia xử lý rác thải hữu cơ bằng men vi sinh.
Ngoài ra, chị Mười đã đi đầu, vận động chị em thực hiện “Đề án thu gom rác thải tập trung” vào chiều thứ Ba và chiều thứ Sáu hằng tuần. Tham gia mô hình “Chi hội phụ nữ tự quản về bảo vệ môi trường” thôn Tân Lập, chị cùng các thành viên ra quân dọn vệ sinh khu dân cư hằng tuần, trồng cây xanh trước nhà.
Chị Lê Thị Mỹ Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Lộc, nhận xét: Mô hình dùng men vi sinh để xử lý rác thải hữu cơ, sản xuất phân bón của chị Mười và Chi hội phụ nữ thôn Tân Lập là cách làm hay, sáng tạo. Qua đó, thể hiện được vai trò tích cực của phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường. Tới đây, Hội LHPN xã sẽ nhân rộng mô hình đến toàn hội viên phụ nữ trên địa bàn xã, nhằm cải thiện môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
VĂN LƯU