Hoài Nhơn thực hiện nhiều mô hình khuyến nông hiệu quả
Năm 2023, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn đã triển khai xây dựng đạt kết quả nhiều mô hình khuyến nông phù hợp với nhu cầu sản xuất tại các địa phương, góp phần chuyển giao ứng dụng KHKT vào sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX Hoài Nhơn chủ động phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng đạt kết quả 19 mô hình khuyến nông từ nguồn vốn của tỉnh, thị xã, trong đó có 3 mô hình khuyến nông của tỉnh, bao gồm: Mô hình thâm canh lúa cải tiến theo hướng chất lượng, hữu cơ quy mô 5 ha tại thôn Xuân Vinh, xã Hoài Mỹ; mô hình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây bắp đối với sâu keo mùa thu, diện tích 1 ha tại khu phố Trung Hóa, phường Tam Quan Nam; mô hình thâm canh cây mè quy mô 2 ha trên đất lúa chuyển đổi tại khu phố Thái Lai, phường Hoài Xuân. Qua tổng kết, hầu hết mô hình đều cho lợi nhuận từ 30 - 35% so với cách sản xuất, chăn nuôi truyền thống.
Bà con nông dân tham quan hội thảo mô hình trồng súp lơ vàng tại khu phố Thái Lai, phường Hoài Xuân. Ảnh: D.B.S
Mô hình nuôi cá thát lát được triển khai thực hiện trong hồ thủy lợi Ông Trĩ, quy mô 20.000 m2, với 20.000 con cá giống được thả. Nông dân tham gia thực hiện mô hình được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã hỗ trợ 50% chi phí mua cá giống, 7% chi phí thức ăn và cùng với chủ mô hình theo dõi chăm sóc trong suốt quá trình nuôi. Sau 6 tháng thả nuôi, cá đạt trọng lượng bình quân 0,3 kg/con, tỷ lệ sống đạt 75%, năng suất đạt 4,2 tấn, với giá bán từ 70.000 -80.000 đồng/kg, lãi gần 110 triệu đồng.
Anh Nguyễn Ngọc Minh, ở khu phố Ngọc Sơn Bắc (phường Hoài Thanh Tây), người tham gia thực hiện mô hình, cho biết: “Cá thát lát cườm có ưu điểm vượt trội so với các loại cá mà trước đây tôi đã nuôi. Cá thích nghi khá tốt với mọi môi trường nước và sự thay đổi đột ngột của thời tiết, dễ nuôi, ít dịch bệnh, thời gian tăng trưởng nhanh, có giá trị kinh tế cao gấp 3 - 4 lần so với các loại cá nước ngọt truyền thống nuôi ở địa phương, đặc biệt là tiêu thụ rất nhanh”.
Cùng thời gian, anh Hoàng Xuân Trúc, ở khu phố Thiện Đức (phường Hoài Hương) được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã chọn hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn quy mô 30 m2 với 9.000 con lươn giống thả nuôi trong 5 bể xi măng. Nhờ chọn được nguồn giống đồng đều chất lượng, sự quan tâm theo dõi hỗ trợ quy trình chăm sóc của cán bộ kỹ thuật trung tâm, sau 11 tháng thả nuôi, lươn đạt trọng lượng bình quân 250 - 300 g/con, tỷ lệ sống đạt 85%, năng suất đạt 1,5 tấn, với giá bán sỉ dao động từ 120 - 130 nghìn đồng/kg, cho lãi trên 120 triệu đồng.
Ông Sử Văn Hưng, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã, cho biết: “Từ thực tiễn và hiệu quả kinh tế của các mô hình khuyến nông thí điểm, đến nay trên địa bàn đã có 10 hộ nông dân tiếp cận, học hỏi và đầu tư nhân rộng các mô hình nuôi ốc bươu đen, cá thát lát cườm và lươn không bùn. Tất cả các hộ tham gia mô hình nhân rộng đều được Trung tâm quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng theo quy định.
DIỆP BẢO SƯƠNG