Thông qua Định hướng hành động trong công tác đối ngoại của các địa phương
Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21 đã kết thúc tốt đẹp với việc thông qua Định hướng hành động trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương giai đoạn tới.
Ngày 18.12 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững của địa phương".
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chủ trì Hội nghị, cùng sự tham dự trực tiếp gần 500 đại biểu từ các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các địa phương, các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, đại diện doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài và Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu tham quan, trải nghiệm sản phẩm của các địa phương. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định trong bức tranh tổng thể những thành tựu đối ngoại đạt được, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan triển khai chủ động, tích cực, đồng bộ công tác đối ngoại, trong đó nhiều mặt đã được đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn.
Về phương hướng triển khai công tác đối ngoại địa phương trong thời gian tới, Bộ trưởng gợi mở một số nội dung sau: Quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận, chỉ thị về đối ngoại mà Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Chính phủ ban hành từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII; Phát huy tốt thế và lực mới của đất nước để tiếp tục đẩy mạnh đối ngoại địa phương, trong đó ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, cơ bản; xác định tâm thế mới trong quan hệ với các đối tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, tiếp cận liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, lấy chất lượng, hiệu quả và tính bền vững làm tiêu chí hàng đầu; Phát triển đối ngoại địa phương theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, với then chốt là nâng cao chất lượng, năng lực của đội ngũ cán bộ.
Tại Hội nghị, Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao đã trình bày báo cáo về công tác đối ngoại địa phương giai đoạn 2021-2023 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn tới. Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương phát biểu về công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại tại địa phương từ Đại hội XIII của Đảng và Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam trình bày về vai trò của đối ngoại nhân dân trong công tác đối ngoại địa phương thích ứng với tình hình mới.
Phiên thảo luận có sự đóng góp, trao đổi của 12 đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Các đại biểu đánh giá cao vai trò của Bộ Ngoại giao đã tiên phong, đồng hành, phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương hỗ trợ hiệu quả các địa phương trong hoạt động đối ngoại.
Chia sẻ tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài từ khâu định hướng, tham mưu, tư vấn đến khâu phối hợp với địa phương triển khai các hoạt động, góp phần kiến tạo cơ hội thúc đẩy các động lực tăng trưởng, hỗ trợ các địa phương hội nhập quốc tế.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng Hội nghị Ngoại vụ còn là cơ hội để các địa phương trực tiếp kết nối, trao đổi với các Đại sứ, mở ra các cơ hội hợp tác trong thời gian tới. Đánh giá Chuyển đổi Xanh là xu thế tất yếu, đòi hỏi đầu tư nhiều nguồn lực để thích ứng với các tiêu chuẩn của chuỗi cung ứng và sản xuất xanh, Thứ trưởng đề nghị Hội nghị tập trung đánh giá các xu thế đầu tư trên thế giới, phân tích các cơ hội và thách thức đối với các địa phương của Việt Nam; tham mưu các biện pháp nhằm thiết lập nền tảng cho đầu tư bền vững tại Việt Nam; đề xuất các giải pháp cụ thể để tăng cường kết nối, xây dựng các mô hình hợp tác đầu tư bền vững và chất lượng; nghiên cứu triển khai các dự án thí điểm làm hình mẫu cho hợp tác đầu tư xanh.
Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Shantanu Chakraborty trong tham luận về xu thế đẩy mạnh tài chính xanh đã chỉ ra những cơ hội giúp Việt Nam tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy kinh tế phát triển, khuyến nghị Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.
Chia sẻ quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit nhấn mạnh mong muốn tiếp tục ủng hộ củng cố mối quan hệ châu Âu - Việt Nam thông qua các cơ chế hợp tác kinh tế xanh, đảm bảo sự tăng trưởng của Việt Nam bền vững và toàn diện.
Bên lề Hội nghị, Phiên kết nối Đại sứ với các địa phương được tổ chức, giúp các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trực tiếp gặp gỡ, trao đổi với đại diện các địa phương để nắm bắt các đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Hội nghị Ngoại vụ Toàn quốc lần thứ 21 đã kết thúc tốt đẹp với việc thông qua Định hướng hành động trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của các địa phương giai đoạn tới với 7 nội dung quan trọng:
Thứ nhất, cụ thể hóa và thực hiện đồng bộ, hiệu quả, toàn diện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đại hội XIII.
Thứ hai, nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của địa phương gắn với việc triển khai đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường thu hút nguồn lực phục vụ phát triển bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh triển khai công tác ngoại giao kinh tế toàn diện, hiệu quả, thực chất.
Thứ tư, không ngừng đổi mới, sáng tạo về phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đối ngoại địa phương.
Thứ năm, các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai công tác đối ngoại địa phương với cách làm sáng tạo, chuyên nghiệp, đẩy mạnh Chuyển đổi Số.
Thứ sáu, tiếp tục triển khai mạnh mẽ công tác đối ngoại địa phương trên các tất cả lĩnh vực khác của đối ngoại.
Thứ bảy, tăng cường đầu tư cho công tác đối ngoại địa phương tương xứng với thế và lực của đất nước, nhất là về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ./.
(TTXVN/Vietnam+)