Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
Tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, Hiến pháp 2013 định danh và làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; xác định rõ hơn chức năng, thẩm quyền, điều chỉnh bổ sung lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này; bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập là Hội đồng bầu cử quốc gia và Kiểm toán nhà nước.
Có thể nói, nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước bắt nguồn từ nguồn gốc và bản chất của Nhà nước pháp quyền XHCN: “tất cả quyền lực thuộc về nhân dân”. Theo đó, nhân dân thông qua lập hiến mà trao quyền lực nhà nước của mình cho Quốc hội, Chính phủ và cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, cần phải nhận thức rõ rằng nhân dân không trao hết quyền lực nhà nước của mình mà chỉ trao cho Quốc hội ba nhóm quyền hạn và nhiệm vụ: về lập hiến, lập pháp; giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Thực tiễn ở nước ta, quyền lực nhà nước dẫu là quyền lập pháp, hành pháp hay tư pháp đều có chung một nguồn gốc thống nhất ở nhân dân, đều do nhân dân ủy quyền, giao quyền. Do vậy, nói quyền lực nhà nước là thống nhất, trước tiên là thống nhất ở mục tiêu chính trị, nội dung chính trị của nhà nước là xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước nên tất yếu nhân dân phải phân công và kiểm soát được quyền lực đó. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ ở nước ta (Sửa đổi, bổ sung năm 2011) và Điều 2 của Hiến pháp 2013 đã thể hiện rõ hơn sự “phân công” và xác định kiểm soát quyền lực nhà nước là một nguyên tắc trong tổ chức quyền lực ở nước ta.
Cụ thể là Điều 69, Hiến pháp 2013 khẳng định Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Điều 94, Hiến pháp khẳng định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, cơ quan thực hiện quyền hành pháp và là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Điều 102, Hiến pháp quy định Tòa án là cơ quan xét xử và là cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Như vậy, Hiến pháp đã thể hiện rõ nội dung “ba quyền được xác lập” bằng việc quy định rõ ràng các cơ quan nhà nước thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp trên thực tế. Sự phân công rành mạch ba quyền này không chỉ tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyên nghiệp hóa các quyền mà còn là yếu tố đầu tiên tạo ra cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Tóm lại, mục tiêu cuối cùng của quan điểm thống nhất quyền lực nhà nước là phục vụ nhân dân. Đây là tính ưu việt của Hiến pháp Việt Nam do thiết chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực đem lại. Cả hệ thống chính trị Việt Nam: Từ Đảng, Nhà nước, cho đến Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội với chức năng, quyền hạn, mối quan hệ chính trị, xã hội, pháp lý của mình đều nằm trong nội hàm nhân dân, phục vụ nhân dân; thực hiện “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” chứ không phải để phân tách, phân rã quyền lực của nhân dân như các thiết chế tam quyền phân lập.
TRUNG NGÔN