Sẽ đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho báo chí
Trước thềm Hội nghị báo chí toàn quốc diễn ra vào ngày 21.12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ về việc Bộ sẽ tham mưu Chính phủ sửa đổi một số quy định để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của báo chí
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Hội Nhà báo Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính nêu rõ một số khó khăn của các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, một số cơ quan báo chí cũng đăng ký làm việc với Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Theo Bộ trưởng, một số khó khăn, vướng mắc nổi bật liên quan đến các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Rồi cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP và chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí.
"Tôi cho rằng những kiến nghị của các cơ quan báo chí và đơn vị quản lý nhà nước về báo chí nói chung… là có cơ sở. Tuy nhiên, giải quyết những vấn đề này đòi hỏi nỗ lực không chỉ của các cơ quan báo chí, của Bộ Tài chính, mà còn là của các cơ quan liên quan khác"- Bộ trưởng nêu rơ.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết với cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết 19 của Trung ương, Nghị định 60/2021 đã yêu cầu đến hết năm 2021 thì lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công phải hoàn thành.
Tuy nhiên, thời gian qua mục tiêu chung cả nước hướng đến là kiềm chế lạm phát, bảo đảm khả năng cân đối ngân sách, khả năng chi trả của người dân nên nhiệm vụ này chưa hoàn thành. "Điều này dẫn đến một số khó khăn không chỉ cho báo chí mà còn cho cả y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ.
Hoàn thiện dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ, trong đó có cơ quan báo chí
Bên cạnh đó, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí chậm được ban hành nên cơ sở để đặt hàng, đấu thầu cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước cũng còn một số hạn chế. Theo ông Hồ Đức Phớc, điều đáng ghi nhận là Bộ TT-TT, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí là một trong số ít cơ quan đã ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật.
Hiện Bộ Tài chính đang tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 60/2021 nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong vấn đề tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các cơ quan báo chí.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị tháo gỡ 5 nhóm vấn đề vướng mắc của các cơ quan báo chí
Đối với kiến nghị tăng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết đây là vấn đề liên quan tới Nghị định 32/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Sau một năm thực hiện Nghị định này, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và đã báo cáo Thủ tướng tình hình thực hiện nghị định. Bộ cũng đã gửi công văn cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để hướng dẫn một số nội dung vướng mắc.
"Chúng tôi khẳng định, những vấn đề thuộc thẩm quyền Bộ Tài chính thì luôn sâu sát, hướng dẫn. Còn đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Tài chính đã kịp thời báo cáo Chính phủ để xem xét theo quy định"- ông Hồ Đức Phớc cho hay.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ TT-TT cũng đề cập các vấn đề về giá đối với những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính mà liên quan tới báo chí. Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, một trong những lý do được Bộ TT-TT nêu lên là thẩm định phương án giá gắn với trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể là các cơ quan báo chí và nguồn lực của Bộ TT-TT hiện chưa thực hiện được việc thẩm định giá.
Theo Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ 1.7.2024, các vấn đề này Bộ TT-TT sẽ duyệt giá tối đa, đơn vị đặt hàng dịch vụ, sản phẩm trong lĩnh vực báo chí quyết định giá cụ thể để đặt hàng, đấu thầu. "Chúng tôi sẽ cùng Bộ TT-TT nghiên cứu vấn đề này trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá"- Bộ trưởng nêu rõ.
Đối với các Nghị định khác có liên quan như Nghị định 60/2021/NĐ-CP, Bộ trưởng cho biết đang trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi, trong đó đề xuất những phương án, giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan báo chí nói riêng, đơn vị sự nghiệp công lập nói chung.
Liên quan đến kiến nghị về ưu đãi thuế, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp hiện hành đang quy định mức thuế 10% đối với thu nhập của các cơ quan báo chí. "Vấn đề ưu đãi thuế còn thuộc thẩm quyền của Quốc hội"- ông Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng nêu rõ Bộ Tài chính sẽ rà soát lại toàn bộ chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp với điều kiện KT-XH của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế và tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế.
"Chúng tôi mong rằng trong quá trình này, các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý báo chí sẽ đóng góp nhiều ý kiến hữu ích, để các khó khăn về thuế sẽ được tháo gỡ chung, không chỉ cho các cơ quan báo chí"- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Theo MINH CHIẾN (NLĐO)