Hạ tầng thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp: Từng bước đáp ứng nhu cầu
Những năm qua, ngành Nông nghiệp tỉnh cùng chính quyền các địa phương đã tập trung nhiều kênh vốn để đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất cây trồng.
Hiệu quả từ kiên cố hóa kênh mương
Tuyến kênh mương nội đồng dài 573 m ở đồng Cây Xay đến Ngõ Lý thuộc thôn Bình An 2, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) được kiên cố hóa và đưa vào sử dụng từ vụ Hè Thu năm 2023. Từ đó đến nay, gần 30 ha đất trồng lúa ở đây không còn rơi vào cảnh thiếu nước.
Ông Nguyễn Phụng Tiên, Bí thư chi bộ - Trưởng thôn Bình An 2, chia sẻ: Việc sử dụng mương đất dẫn nước không đảm bảo, vì tỷ lệ nước thất thoát cao, lòng mương bị đất bồi lắng, trong khi nước dẫn từ hồ Cây Thích về khá xa, nên hầu như các diện tích lúa ở cuối kênh thường bị thiếu nước, đặc biệt là vụ Hè Thu. Vì không đảm bảo nước tưới, nên cây lúa sinh trưởng và phát triển chậm, tỷ lệ cỏ dại mọc trong chân ruộng nhiều, khiến năng suất đạt thấp, bình quân chưa đến 240 kg/sào (500 m2). Từ ngày tuyến mương được đầu tư kiên cố hóa, cánh đồng luôn có đủ nước tưới để gieo sạ 2 vụ/năm, năng suất lúa đạt bình quân hơn 320 kg/sào. Với tầng đất cát, độ dốc chân ruộng lớn, đất mau khô nước, năng suất lúa đạt như vậy là chấp nhận được.
Tuyến kênh mương nội đồng Chín Sào ở xã Cát Hưng (huyện Phù Cát) vừa đưa vào sử dụng. Ảnh: AN NHIÊN
Tương tự, mấy năm gần đây chính quyền các xã của huyện Phù Cát cũng tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư bê tông hóa các tuyến kênh mương nội đồng, qua đó đã giải quyết bài toán khó về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Ông Võ Ngọc Thương, Chủ tịch UBND xã Cát Hưng, cho hay: Đến nay, xã đã kiên cố hóa gần 24 km kênh mương nội đồng, chủ động nước tưới, tiêu thoát lũ cho 420 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 370 ha đất sản xuất lúa.
Vụ Đông Xuân năm nay, xã Cát Hưng đã đưa vào sử dụng 400 m kênh mương nội đồng Chín Sào (giai đoạn 1, ở thôn Mỹ Long). Tuyến kênh này đảm bảo cấp nước tưới cho gần 100 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa ở 3 thôn Mỹ Long, Hưng Mỹ 1 và Hưng Mỹ 2, đồng thời đảm nhận nhiệm vụ tiêu thoát lũ.
Trước đó, xã cũng đầu tư khoảng 500 triệu đồng để đầu tư đập dâng Bờ Cảng Cây Chanh và tuyến kênh mương nội đồng để dẫn nước về tưới cho 10 ha đất trồng lúa và cây đậu phụng ở thôn Mỹ Thuận.
Ông Phan Thanh Liêm, 72 tuổi, ở thôn Mỹ Thuận, thổ lộ: Từ cuối năm 2018 đến nay, cánh đồng lúa ở đây “no nước”, thay vì nứt nẻ do khô hạn và bỏ hoang. Giờ đây, mỗi năm bà con gieo sạ 2 vụ lúa, hoặc 1 vụ lúa và 1 vụ đậu phụng. Nhờ đủ nước tưới, nên cây lúa đạt năng suất khá cao, bình quân 350 - 400 kg/sào, đậu phụng đạt 5 tạ/sào.
Tiếp tục đầu tư, nâng cấp
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh có hơn 4.000 km kênh mương nội đồng, đến nay đã kiên cố hóa gần 2.500 km, trong đó, năm 2021 - 2023 kiên cố được 389 km. Các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn, Hoài Ân, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn… là những địa phương có tỷ lệ kênh mương nội đồng được kiên cố hóa cao. Ông Nguyễn Văn Tám, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, cho biết: Đến nay, toàn huyện có hơn 292 km kênh mương nội đồng được kiên cố hóa, trong đó năm 2023 thực hiện hơn 26 km, đảm bảo nước tưới ổn định cho khoảng 7.300 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa.
Ngoài ưu tiên kiên cố hóa kênh mương nội đồng, từ cuối năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã quan tâm, dành nhiều nguồn vốn khác nhau (vốn ODA, Trung ương, tỉnh) để sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi lớn, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Phúc thông tin: Xác định nước tưới là tiền đề quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn này, tỉnh đầu tư khoảng 70 dự án/138 hạng mục công trình thủy lợi, với tổng kinh phí hơn 4.100 tỷ đồng. Trong đó, sửa chữa, nâng cấp 48 hồ chứa nước, phục vụ tưới cho hơn 4.500 ha đất sản xuất nông nghiệp; đồng thời sửa chữa, xây dựng mới 21 đập dâng, đảm nhận nhiệm vụ ngăn mặn, giữ ngọt và tưới cho gần 19.000 ha. Bên cạnh đó, xây dựng kiên cố 134 km kênh thủy lợi cấp 1, đảm bảo tưới ổn định cho 3.100 ha; xây dựng 10 trạm bơm... Đến nay, phần lớn các công trình thủy lợi có nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai cơ bản đã được nâng cấp.
Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi cần đầu tư trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều, nhất là các hạng mục, công trình thủy lợi vừa và nhỏ, kiên cố hóa kênh mương theo hướng ưu tiên hỗ trợ những xã thuộc diện về đích nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Hồ Nguyên Sĩ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án NN&PTNT tỉnh, cho hay: Trước mắt, trong năm 2024, đơn vị sẽ triển khai sửa chữa, nâng cấp 12 công trình thuộc dự án sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp giai đoạn 2021 - 2025, như các hồ: Hải Nam, Hóc Thánh (huyện Tây Sơn), Suối Cầu (huyện Vân Canh), Đá Bàn, Nhà Hố (huyện Phù Mỹ), Chánh Hùng (huyện Phù Cát)...; nhằm cải thiện công năng, điều kiện vận hành của đập và đảm bảo cấp nước tưới ổn định lâu dài cho đất sản xuất nông nghiệp.
AN NHIÊN