Bảo hiểm tàu cá:
Cần thiết nhưng chưa thông suốt
Bảo hiểm tàu cá (BHTC) là một phương án hỗ trợ, đảm bảo an toàn, tạo điều kiện tái sản xuất nếu chẳng may gặp phải rủi ro, nhưng nhiều ngư dân vẫn tìm cách né tránh. Làm gì để thay đổi nhận thức của ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi để ngư dân và doanh nghiệp bảo hiểm thông hiểu nhau là điều cần làm lúc này.
Toàn tỉnh hiện có 7.172 tàu cá, với tổng công suất 980.838 CV (trong đó, có hơn 2.500 tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên). Nhưng chỉ 20 - 25% trong số này tham gia BHTC. Đối tượng mua BHTC chủ yếu là các chủ tàu cá khai thác thủy sản xa bờ, được Nhà nước hỗ trợ chi phí. Số đông ngư dân vẫn thờ ơ với BHTC, đặc biệt là ngư dân sản xuất ở tuyến bờ và tuyến lộng.
Ngư dân không mặn mà
Ngư dân Lê Văn Xướng (thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát) đã đóng tàu cá số hiệu BĐ 93312 - TS được 7 năm nhưng chưa từng nghĩ đến việc mua bảo hiểm cho “cần câu” của mình. Ông Xướng cho rằng: “Đóng tàu vươn khơi bám biển, ai đâu nghĩ tới chuyện rủi ro mà mua bảo hiểm? Vả lại, chi phí đóng bảo hiểm cho tàu cá cao quá! Ngư dân vốn liếng ít ỏi, phải tiết kiệm chi phí, lại thường xuyên kiểm tra tàu kỹ lưỡng để đề phòng sự cố nên cần gì phải mua!”.
Không chỉ ông Xướng, rất nhiều ngư dân trên địa bàn tỉnh thường không mấy quan tâm về đóng BHTC, trong đó có ngư dân Lê Đức Hoàng (SN 1969, trú thôn Phú Thứ, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ). Nhưng đó là chuyện cũ, còn bây giờ ngồi nghĩ lại ông Hoàng thấy rất tiếc. Đã 5 tháng đã trôi qua kể từ ngày gặp nạn, ông Hoàng vẫn không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, đóng lại tàu mới. Vụ tai nạn trên biển do bị tàu hàng đâm vào khi đang hành nghề lưới vây rút chì đã gây ra thiệt hại hơn 3 tỉ đồng. Chiếc tàu có công suất 380 CV bị hư hỏng hoàn toàn. “Đi biển vốn nhiều rủi ro nhưng ít ai nghĩ đến việc tàu bị chìm. Chưa kể, chi phí mỗi năm mua bảo hiểm cũng từ 10 - 15 triệu đồng nên tôi cũng lơ luôn, bởi vậy bây giờ mới khổ”, ông Hoàng rầu rĩ.
Không mua BHTC đã đành, nhiều chủ tàu còn ít muốn làm thủ tục bồi thường ở bảo hiểm khi phương tiện hư hỏng. Lý giải về điều này, ông Nguyễn Tám, cán bộ ngư nghiệp xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), cho biết: “Ngư dân không mặn mà mua BHTC do các thủ tục thanh toán rườm rà. Mỗi khi tàu bị hư hỏng phải có xác nhận của biên phòng, các nhân viên bảo hiểm đến làm việc, có hóa đơn sửa chữa… Hoàn thành cho được từng đó thủ tục sẽ mất rất nhiều thời gian. Xong rồi, phải mất nhiều ngày mới được nhận tiền. Bởi vậy, những trường hợp bị hư hỏng nhẹ, sửa chữa tốn chừng năm bảy triệu đồng, đa phần ngư dân tự chi trả. Hơn nữa, hầu hết đơn vị bảo hiểm chỉ tính chi trả bằng phần giá trị còn lại của tàu nên số tiền nhận được không nhiều”.
Để thay đổi nhận thức ngư dân
Từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta đã hỗ trợ cho ngư dân trên 639,5 tỉ đồng để mua nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên và hỗ trợ bộ đàm HF tầm xa theo tinh thần QĐ số 48/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Chính sách hỗ trợ ngư dân đã đi vào cuộc sống, tạo bước chuyển đổi mạnh mẽ về ngư trường và ngành nghề khai thác thủy sản.
Theo ông Phan Thành Tuấn, Trưởng phòng Tổng hợp - Pháp chế Bảo Việt Bình Định, để ngư dân yên tâm mua bảo hiểm thì công tác vận động, tuyên truyền và tư vấn khách hàng của các công ty bảo hiểm cần phải được đặt lên hàng đầu. Ngược lại, người mua BHTC cũng cần san sẻ khó khăn với chúng tôi.
Ông Tuấn lý giải thêm: “BHTC là loại hình có tỉ lệ rủi ro cao nhất trong các loại hình bảo hiểm. Công ty chỉ bán bảo hiểm cho thân tàu là chính, không bán bảo hiểm cho ngư lưới cụ. Chủ tàu rất sợ tốn kém khi mua bảo hiểm nhưng không biết kinh doanh BHTC không đem lại lợi nhuận cho chúng tôi vì giá trị đền bù quá lớn. Chúng tôi cũng gặp nhiều trở ngại trong thẩm định giá trị tàu cá vì chất lượng của phương tiện giảm xuống rất nhanh trong quá trình sử dụng... ”.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở NN - PTNT) nêu ý kiến: Để giải quyết khó khăn cho bà con, việc thành lập trung tâm tư vấn trợ giúp ngư dân trong các hoạt động vay vốn để cải hoán, đóng tàu mới và hưởng các chủ trương, chính sách khác của nhà nước là giải pháp cần tính tới. Khi những khúc mắc, trăn trở của ngư dân được tháo gỡ, nhận thức bà con được nâng lên, cái lợi về việc mua BHTC sẽ được chủ tàu hiểu rõ.
TRỌNG LỢI