Chốt tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 thêm 6%
Sáng nay (20.12), Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên thứ hai năm 2023, để thảo luận, thương lượng về phương án điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Kết thúc phiên họp, với đa số phiếu đồng thuận, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6% để khuyến nghị Chính phủ. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1.7.2024 (cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực nhà nước). Cụ thể, lương tối thiểu vùng tăng bình quân theo tháng là 6%.
Theo đó, mức lương tối thiểu có thể được áp dụng từ ngày 1.7.2024 cụ thể: Vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng (tăng thêm 280.000 đồng); Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng); Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng (tăng 220.000 đồng); Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng (tăng 200.000 đồng).
Công đoàn đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 với mức 6,5%-7,3% (Ảnh minh họa)
Trước đó, tại phiên thảo luận, cả đại diện giới chủ và người lao động đều thống nhất thời điểm tăng lương tối thiểu vùng từ 1.7.2024. Tuy nhiên 2 bên chưa thống nhất được mức tăng.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết, tại phiên họp lần này, phía đại diện cho người lao động đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5% - 7,3%, thời điểm tăng lương từ 1.7.2024.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, 2 mức đề xuất được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình KT-XH, cân nhắc nhiều mặt, gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động.
"Hy vọng các bên sẽ có tiếng nói chung để chốt được mức lương tối thiểu vùng phù hợp, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Trong bối cảnh lương của khu vực công chức, viên chức, lực lượng vũ trang sẽ tăng từ ngày 1.7.2024, việc điều chỉnh lương của người lao động cùng thời điểm đó là phù hợp", ông Ngọ Duy Hiểu nói.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cũng cho biết, mức tăng đề xuất ở lần họp này cao hơn so với phiên họp lần trước do tình hình kinh tế xã hội có dấu hiệu tốt hơn. Trong khi đó, mục tiêu tăng lương tối thiểu từ 1.1.2024 không thực hiện được vì thủ tục pháp lý. Khi lùi thời điểm tăng lương một khoảng thời gian (6 tháng) cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động.
"Chúng tôi đồng tình với việc tăng lương tối thiểu vùng cùng với thời điểm tăng lương ở khu vực công để đảm bảo tính đồng bộ, thể hiện trách nhiệm chung ở cả 2 khu vực", ông Ngọ Duy Hiểu thông tin.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia cho biết, VCCI đồng tình tăng lương, song mức tăng theo đề xuất của Công đoàn chưa phù hợp với tình hình hiện nay.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, mức tăng 6% là cao, nếu tăng ở ngưỡng 4% hợp lý hơn: "Việc điều chỉnh là cần thiết trong thời gian tới, bởi lương khu vực công điều chỉnh, thì khu vực doanh nghiệp cũng cần thực hiện tương ứng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp cũng rất khó khăn, thậm chí nhiều đơn vị đang phải "gồng mình" để duy trì việc làm cho người lao động".
Nói thêm về thị trường lao động hiện nay, ông Phòng cho rằng, thị trường trong nước và quốc tế đều khó khăn, ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khiến đơn hàng của doanh nghiệp giảm, việc làm của người lao động cũng bị giảm. Doanh nghiệp ra khỏi thị trường vẫn còn nhiều. Bên cạnh mục tiêu giữ việc làm, doanh nghiệp cũng phải tính đến việc điều chỉnh chế độ cho người lao động, căn cứ theo sức chịu đựng, năng lực chi trả của doanh nghiệp.
Theo Nguyễn Trang (VOV.VN)