Cần cụ thể phương án giúp từng hộ thoát nghèo bền vững
Ðó là vấn đề quan trọng đặt ra tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025, do UBND tỉnh tổ chức ngày 20.12.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn và Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân trao bằng khen của UBND tỉnh cho các cá nhân có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì người nghèo -Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ảnh: N.M
Hỗ trợ người nghèo vươn lên
Thời gian qua, việc thực hiện phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đã mang lại những kết quả tích cực.
Từng cấp, từng ngành và từng địa phương đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần thực hiện thành công phong trào thi đua.
Đời sống của người nghèo được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo làm ăn có hiệu quả vươn lên thoát nghèo bền vững; thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, giữa các tầng lớp và các nhóm dân cư trong xã hội.
Trong 3 năm (2021 - 2023), Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã thực hiện cho vay ưu đãi 118 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn; với tổng số tiền hơn 5.545 tỷ đồng. MTTQ và các hội, đoàn thể đã huy động trên 635 tỷ đồng, hỗ trợ 160 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã bố trí hơn 417 tỷ đồng, trong đó, hơn 77 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…
Từ đó, có hơn 26.790 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân chung của tỉnh đạt 2,05%, vượt kế hoạch 1,5 - 2%/năm đã đề ra. Riêng năm 2023, tỷ lệ giảm nghèo đạt 2,89%, với 12.667 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo.
Thời gian qua, hưởng ứng phong trào thi đua, các cấp, các ngành và địa phương đã có nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử, từ mô hình tổ liên kết sản xuất nước mắm do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ, bà Mai Thị Hương (xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) đã mở rộng quy mô sản xuất, thành lập HTX sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh. HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động và 15 lao động thời vụ với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tặng bằng khen cho đại diện tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ảnh: N.M
Thoát nghèo phải căn cơ và bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện phong trào thi đua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ giảm nghèo tuy giảm nhanh nhưng thiếu vững chắc, số hộ tái nghèo hằng năm còn cao. Việc xây dựng mô hình giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chưa nhiều; sự hỗ trợ thường tập trung vào giải quyết những khó khăn trước mắt do biến cố, rủi ro chứ chưa tập trung hỗ trợ phương kế lâu dài…
Chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh về việc nâng cao ý thức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc chung tay vì người nghèo. Trong đó, cần xác định trách nhiệm quan trọng của các cấp chính quyền và người đứng đầu.
Các ngành, địa phương cần tập trung nhận diện, rà soát, thống kê cụ thể nguyên nhân của từng trường hợp nghèo, từ đó xác định các giải pháp hiệu quả, chi tiết hơn nữa để giúp người dân giải “bài toán” thoát nghèo một cách căn cơ và bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, ngoài trao “cần câu”, để hộ nghèo thoát nghèo bền vững nhất định phải hướng dẫn bà con “làm mồi câu”, “cách câu cá”, chứ không chung chung như trước nữa. Các ngành, cơ quan liên quan xem xét xây dựng chương trình “mỗi DN trong tỉnh hỗ trợ ít nhất 1 hộ thoát nghèo” để huy động sự vào cuộc của các DN hiệu quả hơn nữa.
“Để thực hiện hiệu quả phong trào thi đua, tôi đề nghị cả hệ thống chính trị, toàn xã hội phải vào cuộc với tinh thần “tất cả vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều””, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn kêu gọi.
Năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều 2%
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đỗ Thị Diệu Hạnh, năm 2024, Bình Định phấn đấu giảm 8.797 hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều 2%.
Để thực hiện được mục tiêu giảm tỷ lệ nghèo đa chiều của năm 2024, các địa phương phải xây dựng kế hoạch giảm nghèo hết sức cụ thể, chi tiết đến từng cấp xã, cấp huyện; phải xác định rõ thực trạng từng hộ nghèo, hộ cận nghèo và thành viên của hộ theo 8 nguyên nhân nghèo. Từ đó có các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của hộ để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo.
Toàn tỉnh hiện có 1.202 hộ nghèo vì không có đất sản xuất; 3.558 hộ nghèo vì không có vốn sản xuất, kinh doanh; 6.100 hộ nghèo vì không có lao động; 3.204 hộ nghèo vì không có công cụ, phương tiện sản xuất; 1.763 hộ nghèo không có kiến thức về sản xuất; 2.176 hộ nghèo không có kỹ năng lao động, sản xuất; 8.133 hộ nghèo có người ốm đau, bệnh nặng, tai nạn…
Theo thống kê này, thời gian đến, các sở, ban, ngành chủ động, phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố cùng thực hiện các giải pháp giảm nghèo bền vững cho từng hộ nghèo.
Viết đơn tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo vào năm 2022, anh Đinh Văn Cho (33 tuổi, ở thôn 2, xã An Quang, huyện An Lão) là một trong các cá nhân được biểu dương tại Hội nghị.
Năm 2021, anh Cho được vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi từ Ngân hàng CSXH, được Nhà nước hỗ trợ 3 con heo đen giống. Có vốn, có con giống và được tập huấn kiến thức nuôi heo, anh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, mua thêm 10 con heo thịt để nuôi. Vợ chồng anh còn nấu rượu lấy hèm nuôi heo, buôn bán nhỏ lẻ. Dần dần, số vốn tích lũy lớn hơn, anh đầu tư thêm 2 bàn bida, mở rộng buôn bán thêm một số mặt hàng thiết yếu, trồng 5 ha keo… Bình quân thu nhập hằng năm của gia đình trên 150 triệu đồng.
Kể về hành trình thoát nghèo của mình, anh đúc kết: “Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực vươn lên của bản thân, còn có sự hỗ trợ rất lớn của Nhà nước. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực lao động sản xuất, phấn đấu thoát nghèo bền vững; đồng thời, là một tuyên truyền viên tích cực, chia sẻ kinh nghiệm, vận động bà con trong làng, trong xã phấn đấu thoát nghèo”.
NGUYỄN MUỘI