Trọng tâm, xuyên suốt và đột phá
Phó Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Minh Thảo đã chia sẻ như vậy khi trả lời Báo Bình Ðịnh về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chuyển đổi số của tỉnh năm 2024. Ðồng thời, khẳng định năm 2023, với sự đồng lòng của hệ thống chính quyền và người dân, công cuộc chuyển đổi số của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Minh Thảo, Phó Giám đốc Sở TT&TT
Bước sang năm 2024, ông Thảo cho biết ngành TT&TT tiếp tục đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp mang tính đột phá ở cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số, xã hội số nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp, thúc đẩy KT-XH phát triển toàn diện.
* Chính quyền số là 1 trong 3 hạt nhân chính tạo nên sự phát triển đột phá trong công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh trong năm 2023. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật đạt được?
- Một trong những mạng lưới giúp chính quyền số của tỉnh phát triển mạnh chính là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, phục vụ nhu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tích hợp các hệ thống phần mềm dùng chung phục vụ chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, như: Cổng thông tin điện tử; quản lý văn bản và hồ sơ công việc; cổng dịch vụ công của tỉnh.
Bên cạnh đó, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng hệ thống phần mềm văn phòng điện tử của tỉnh; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong tỉnh, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia.
Ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại, tỉnh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát 7.709 chứng thư số cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, trong đó 723 chứng thư số cho tổ chức, 5.643 chứng thư số cho cá nhân và 1.343 SIM PKI. Cổng dịch vụ công của tỉnh đã cung cấp thủ tục hành chính, trong đó có 846 dịch vụ công trực tuyến một phần, 941 dịch vụ công trực tuyến toàn trình...
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số đóng vai trò quan trọng thúc đẩy CĐS phát triển.
- Trong ảnh: Kỹ sư công nghệ thông tin đang làm việc tại Công ty Fsoft Quy Nhơn. Ảnh: T.LỢI
* Còn kinh tế số và xã hội số thì sao, thưa ông?
- Song song chính quyền số, kinh tế số và xã hội số cũng được tỉnh quan tâm. Tỉnh đã thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định, hiện có Công ty TMA Bình Định và Công ty Fsoft Quy Nhơn đang làm việc, với trên 1.000 nhân sự. Chính phủ đã kết nạp Trung tâm CNTT&TT trực thuộc Sở TT&TT tham gia vào Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung theo quyết định của Thủ tướng. Đồng thời, đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân đưa 517 sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. 100% DN, tổ chức thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử.
Dấu ấn nổi bật nữa trong kinh tế số, đó chính là logistics. Ngành này có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng. Ngoài ra, doanh thu của các DN viễn thông, bưu chính trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 ước đạt hơn 1.500 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 61 tỷ đồng.
Một trụ cột khác là xã hội số cũng gặt hái nhiều kết quả tốt; tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh toàn tỉnh đạt gần 79%; hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt thành công gần 74.000 tài khoản VNeID…
* Để quá trình CĐS diễn ra hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DN, tổ chức và người dân, đạt được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TU, thời gian tới, ngành TT&TT tập trung thực hiện các giải pháp gì?
- Trước hết là tiếp tục xây dựng, khai thác có hiệu quả hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn; bảo đảm sự kết nối giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với các hệ thống quốc gia... Trong đó, ưu tiên duy trì hoạt động hiệu quả của các hệ thống thông tin (văn phòng điện tử, thư điện tử công vụ, báo cáo KT-XH tỉnh; cổng thông tin điện tử của tỉnh...). Xây dựng, hoàn thiện kho dữ liệu số dùng chung của tỉnh và các hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh.
Tiếp tục tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế số của tỉnh, trong đó triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển ở một số ngành, lĩnh vực trọng điểm. Hỗ trợ các DN vừa và nhỏ tiếp cận các nền tảng số để ứng dụng vào sản xuất. Xây dựng, phát triển thị trường thương mại số phát triển bền vững, ứng dụng rộng rãi sàn thương mại điện tử trong DN và cộng đồng, ứng dụng các nền tảng thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, phổ cập kỹ năng số cho người dân thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ số, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn miễn phí để nâng cao kỹ năng số cơ bản cho người dân, như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm và bán hàng trực tuyến, thanh toán trực tuyến…
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động CĐS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực số, trong đó tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi, là nâng cao nhận thức về CĐS, phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình CĐS và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CĐS trong từng ngành, lĩnh vực…
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (Thực hiện)