Hoa Huệ đất Võ
Khi còn là VĐV chị đoạt nhiều huy chương tại các giải vô địch võ cổ truyền quốc gia; khi theo nghiệp HLV, chị về đến tận thôn xóm, mở cơ sở đào tạo, tiếp tục truyền dạy và gặt được “vụ mùa” chất lượng cao. Những dòng “lí lịch võ” trích ngang ngắn gọn thế nhưng là kết tinh của cả một quá trình dài khổ luyện, gắn bó với nhiều tâm huyết. Ở làng võ Bình Định, chỉ nói như thế ai cũng biết chị là võ sư Nguyễn Thị Kim Huệ.
Duyên nợ nghiệp võ
Ngược dòng hồi ức trở về những năm đầu tiên đến với võ cổ truyền, chị Nguyễn Thị Kim Huệ bảo đó thực sự là “duyên nợ” của đời mình. Hồi còn nhỏ, mỗi lần đi ngang qua chùa Long Phước ở gần nhà (thôn Quảng Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước), Kim Huệ thấy người học võ đông kín cả sân chùa, nhưng cô không nghĩ đến chuyện đăng kí tham gia. Đến khi một người anh rể cho con gái nhỏ theo học võ ở chùa này, mới đến xin gia đình cho Kim Huệ đi học cùng cho vui. “Mới đầu bố mẹ không cho tôi đi vì hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, lại quan niệm con gái mà học võ để làm gì. Anh rể thuyết phục mãi bố mẹ cũng xuôi theo…”, Kim Huệ nhớ lại.
Kim Huệ khi ấy nhỏ tuổi, ốm yếu so với nhiều võ sinh trong chùa, nhưng được thầy Đông Hải chú ý truyền dạy bởi em chăm chỉ rèn luyện, bộc lộ được tố chất phát triển khi nhanh chóng lĩnh hội được khá tốt các bài quyền, binh khí.
Năm 12 tuổi, Kim Huệ trong một lần biểu diễn cho khách đến xem đã lọt vào “mắt xanh” của võ sư Kim Dũng (khi ấy đang công tác tại Sở TDTT Bình Định). Thấy cô bé nhỏ xíu mà biểu diễn có “chất”, võ sư Kim Dũng đề nghị đưa Kim Huệ lên tham gia đội nhạc võ biểu diễn ở Bảo tàng Quang Trung, nhưng gia đình Kim Huệ không đồng ý vì con gái còn nhỏ.
Khi điểm dạy võ ở chùa Long Phước tạm ngừng, Kim Huệ tưởng đã “dừng cuộc chơi”. Mấy năm sau, mối duyên võ cổ truyền trở lại với Kim Huệ khi một người sư huynh đồng môn luyện võ ở chùa Long Phước ngày trước là Nguyễn Văn Cảnh, tìm đến thuyết phục Kim Huệ xuống tham gia đội tuyển wushu mới được Sở TDTT tỉnh thành lập. Năm ấy Kim Huệ đã 21 tuổi, cái tuổi mà nhiều bạn bè ở quê đã lập gia đình, nhưng cô vẫn quyết định quay lại con đường võ thuật dù nhiều khó khăn, gian khổ đang chờ đợi phía trước.
Khổ luyện thành tài
Đã lâu không luyện võ, giờ lại “bập” vô môn wushu đòi hỏi chuyên môn cao, Kim Huệ hằng ngày phải luyện tập khối lượng nặng nhưng vẫn cố gắng bám trụ. Thế nhưng chỉ hơn 1 năm sau, đội tuyển wushu bị giải tán, đội tuyển võ cổ truyền được Sở TDTT thành lập lại. Chị lại đầu quân sang võ cổ truyền. Trong thời gian đầu, Kim Huệ là thành viên nữ duy nhất của đội tuyển võ cổ truyền. “Sức vóc nữ nhưng ngày nào cũng luyện tập nặng, đau nhức khắp người nên nước mắt tôi cứ chảy miết. Trong giáo án tập luyện có rèn luyện thể lực bằng đá banh, nhưng đội tuyển chỉ có mình tôi là nữ lại không biết chơi nên đành lủi thủi ra một góc tập thể lực riêng thật tủi thân. Có đôi lúc chán nản muốn trở về quê, nhưng nhờ sự quan tâm của các thầy và anh chị, bạn bè VĐV đã động viên tôi quyết tâm bám trụ. Qua nhiều năm khổ luyện, niềm đam mê võ cổ truyền trong tôi cũng chín dần để gắn bó lâu dài…”, Kim Huệ xúc động kể.
Ở đội tuyển võ cổ truyền tỉnh, nữ VĐV Kim Huệ thi đấu đa năng, nên ngoài sở trường biểu diễn kiếm, roi, cô còn thể hiện tốt các bài đối luyện, quyền. Trong mỗi tiết mục biểu diễn, Kim Huệ đã kết hợp tốt tấn pháp, nhãn pháp, thân pháp để chinh phục giới chuyên môn và tạo ấn tượng mạnh cho người xem.
Lần đầu tiên tham gia Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 1999, Kim Huệ đoạt HCB đối luyện. Tại Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2000, Kim Huệ tiếp tục đoạt HCV đối luyện và HCB cá nhân. Những năm sau đó, Kim Huệ tiếp tục giành thêm nhiều huy chương các loại để đóng góp vào thành công chung của đội tuyển võ cổ truyền Bình Định tại giải quốc gia.
Kim Huệ nhớ lại: “Đội tuyển võ cổ truyền tỉnh khi ấy còn khó khăn. Tôi thường phải mượn thanh kiếm rất nặng của thầy Đinh Văn Tuấn để biểu diễn. Nhớ nhất là lần mượn đại đao của một anh VĐV trong đội tuyển tự làm để dự giải quốc gia. Tôi đánh bài Siêu xung thiên hăng quá nên khi đè chân lên cán đao để làm động tác mài đao thì lưỡi đao bị cong mất, nhưng vẫn bình tĩnh biểu diễn hết bài. Mấy thầy sau đó nói đáng lẽ em đạt được HCV, nhưng do đánh đao cong lưỡi nên chỉ được HCB…”.
Sau khi lập gia đình, Kim Huệ vẫn quyết định gắn bó với đội tuyển. Thành tích cuối cùng của Kim Huệ là hai HCV cá nhân tại Giải vô địch võ cổ truyền toàn quốc năm 2005. “Hứa với các thầy là sẽ thi đấu đến năm 2006 mới nghỉ, nhưng sau đó đã mang bầu đứa con đầu lòng nên đành phải giã từ đội tuyển ở tuổi 29. Tôi hạnh phúc khi sau 8 năm kiên trì khổ luyện ở đội tuyển, đã đóng góp vào thành công chung qua việc đoạt hơn chục huy chương các loại ở nội dung hội thi ở các giải quốc gia”, Kim Huệ chia sẻ.
Tận tâm truyền dạy học trò
Thường đối với nhiều nữ VĐV khác sau khi giã từ đội tuyển, có chồng con thì bận bịu với công việc gia đình nên đành dứt bỏ luôn đam mê võ thuật. Kim Huệ đã không “theo chồng bỏ cuộc chơi”, sau khi sinh con đầu lòng thì chị đã quyết định mở lớp truyền dạy học trò tại nhiều nơi ở huyện Tuy Phước. Hiện trong những tháng hè, Kim Huệ đang tất bật hằng ngày với việc truyền dạy hàng trăm học trò các lớp võ cổ truyền tại Trung tâm VH-TT-TT huyện Tuy Phước và Trường Tiểu học Phước Thuận.
Kim Huệ chia sẻ: “Nữ giới tham gia dạy võ có nhiều khó khăn hơn đàn ông. Không muốn học trò phải tạm nghỉ lâu vì vắng cô, tôi có bầu 5 - 6 tháng vẫn truyền dạy. Có khi sinh con xong mới 3 tháng thì đến Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh, tôi phải trở lại đốc thúc học trò luyện tập và dẫn đi thi đấu để các em có điều kiện cọ xát. Đi dạy mà con còn nhỏ để ở nhà cũng không yên tâm nên dẫn theo, vừa dạy học trò vừa phải bế dỗ con quấy khóc”.
Từng là một VĐV chuyên nghiệp được đào tạo bài bản, lại không ngừng học hỏi, nâng cao về phương pháp huấn luyện, Kim Huệ đã thực hiện tốt nhiệm vụ truyền dạy đông đảo học trò trong gần chục năm qua. Trần Thị Tuyết Trinh (20 tuổi), VĐV đội tuyển võ cổ truyền tỉnh từng đoạt nhiều huy chương quốc gia và được khen thưởng VĐV tiêu biểu tỉnh năm 2011, tâm sự: “Đến với võ cổ truyền từ năm 11 tuổi, nhờ có cô Kim Huệ dìu dắt mà em có được nền tảng để rèn luyện vươn đến những thành công sau này…”. Năm 2012, Kim Huệ đã thi lấy bằng HLV cấp 17 (chuẩn võ sư) của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam. Ngày 6.8 vừa qua, Kim Huệ cũng đã thi lấy bằng võ sư.
Ông Đặng Hiếu Hân, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT-TT kiêm Chủ tịch Hội Võ thuật huyện Tuy Phước, nhận xét: “Trong phong trào võ cổ truyền ở cơ sở hiện nay, Kim Huệ là nữ võ sư hiếm hoi có được bề dày thành tích cống hiến khi còn là VĐV trước đây và làm thầy truyền dạy sau này. Qua đào tạo của võ sư Kim Huệ đã có nhiều VĐV đoạt huy chương tại các giải đấu, đồng thời cung cấp nhiều VĐV cho các đội tuyển võ cổ truyền tỉnh…”. Từ nhiều năm qua, CLB võ thuật Kim Huệ luôn nằm trong nhóm dẫn đầu nội dung hội thi ở các giải đấu của tỉnh. Tại Giải võ cổ truyền các CLB toàn tỉnh năm 2014 vừa qua, CLB Kim Huệ đã đoạt hạng Ba với 3 HCV, 3 HCB, 1 HCĐ.
Năm nay đã 38 tuổi và có hai đứa con nhỏ, võ sư Kim Huệ mong muốn tìm được học trò nào “cứng cáp” để giao lại công việc truyền dạy chính, còn mình chỉ hỗ trợ thêm. Võ sư Kim Huệ bộc bạch: “Thời buổi này muốn tìm được học trò chịu gắn bó lâu dài mà có chuyên môn vững, đạo đức tốt, có uy khi truyền dạy là rất khó. Đây là nghề mà tính toán đến chuyện thu nhập kinh tế thì sẽ không làm được…Thấy thương khi học trò nói cô mà nghỉ dạy thì chúng em cũng bỏ luyện tập võ cổ truyền luôn. Vì vậy, sự cố gắng hết mình truyền dạy võ cổ truyền của tôi ngoài việc là đam mê, còn xuất phát từ tình cảm gắn bó sâu sắc với học trò…”.
Thành tích truyền dạy của võ sư Kim Huệ đã được khen thưởng: Bằng khen UBND tỉnh cho thành tích xuất sắc trong phát triển phong trào võ thuật của tỉnh giai đoạn 2005 - 2010. Bằng khen của Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cho hội viên đã có nhiều thành tích đóng góp phát triển phong trào võ cổ truyền Việt Nam năm 2008. Bằng khen của UBND huyện Tuy Phước cho võ đường Kim Huệ đã có thành tích xuất sắc trong Hội võ thuật huyện Tuy Phước nhiệm kì 2007 - 2011…
HOÀI THU