Thúc đẩy ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước
(BĐ) - Sáng 21.12, tại TP Hà Nội, trong chương trình Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên toàn thể về Ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Điểm cầu của tỉnh Bình Định dự Hội nghị dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn.
Điểm cầu của tỉnh dự Hội nghị. Ảnh: H.THU
Hội nghị tập trung đánh giá và dự báo về tình hình kinh tế quốc tế, nhất là làm rõ những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Nhìn nhận tác động, định vị kinh tế đất nước trong hệ thống kinh tế thế giới, nhận diện thời cơ và thách thức trên các mặt, các lĩnh vực để ngành Ngoại giao chủ động tham mưu trong tham gia các sáng kiến của các đối tác quan trọng, phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Hội nghị cũng đánh giá khách quan, toàn diện kết quả công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được qua hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là từ sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10.8.2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030, Chính phủ ban hành Chương trình hành động giai đoạn 2022 - 2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW.
Lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, DN trao đổi, gợi mở cho ngành Ngoại giao những hướng đi, cách làm và biện pháp cụ thể, khả thi, nhằm tăng cường phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong triển khai ngoại giao kinh tế để phục vụ các ngành, địa phương, DN trong phát triển và hội nhập quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả ngoại giao kinh tế đã đạt được, đồng thời trao đổi, phân tích những mặt còn hạn chế cần cố gắng khắc phục.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Thời gian tới, cần tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại, ngoại giao kinh tế theo tinh thần Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư, Chương trình hành động của Chính phủ.
Nguồn: BTV
Để đạt được mục tiêu, cần phải tổ chức công việc sát tình hình mới, có tầm nhìn chiến lược. Thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, bám sát xu thế thế giới về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ... và thực tiễn để kết hợp hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Trong thực hiện, cần phải tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác chặt chẽ hơn, đầy đủ và sát tình hình thực tế hơn.
Ngoại giao kinh tế cần phải đóng góp tích cực vào việc đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng càng nhanh càng tốt để khắc phục đứt gãy của chuỗi sản xuất trong nước. Thời gian tới, ngoại giao kinh tế cần tập trung vào các khu vực Trung Đông, châu Phi, Nam Mỹ; đại sứ Việt Nam ở các nước phải linh hoạt, mạnh mẽ, gặp gỡ kết nối thường xuyên.
Trong ngoại giao kinh tế phải phát huy tính tự lực tự cường, chủ động sáng tạo. Phối hợp thực hiện tốt giữa các ngành, địa phương, thực sự lấy người dân, DN làm trung tâm để phục vụ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tin tưởng: Sau Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, các đồng chí sẽ có tinh thần mới, tư duy mới, phương pháp luận mới và cách tiếp cận mới để thúc đẩy ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam.
HOÀI THU