Vân Canh gìn giữ, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số
Từ năm 2023, thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” giai đoạn 1 (2023 - 2025) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, huyện Vân Canh triển khai thêm nhiều hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số.
Đến nay, huyện Vân Canh đã thành lập 8 CLB cồng chiêng (5 CLB cồng chiêng các xã, thị trấn: Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Liên, Vân Canh; 3 CLB ở các trường: Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT Vân Canh, THCS bán trú Canh Thuận, Phổ thông dân tộc bán trú Canh Liên). Ngoài duy trì tổ chức liên hoan cồng chiêng định kỳ 2 năm/lần, huyện phối hợp với Sở VH&TT tổ chức các lớp tập huấn diễn tấu cồng chiêng, trống kơ toang, múa xoang để đào tạo lớp kế thừa thực hành di sản văn hóa.
Huyện Vân Canh phối hợp với Sở VH&TT tổ chức tập huấn truyền dạy cồng chiêng, trống kơ toang. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ông Nguyễn Thanh Bình, dân tộc Bana ở làng Cát, xã Canh Liên, chia sẻ: “Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đúng trọng tâm, mang lại hiệu quả cao, nên giờ đây lớp trẻ chịu học cồng chiêng, dân ca, múa xoang để kế thừa cha công gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc của dân tộc mình”.
Trống kơ toang - một loại nhạc cụ đặc trưng của người Chăm H’roi ở Vân Canh, cũng dần được nhiều người trẻ theo học. Anh Đoàn Văn Hùng, dân tộc Chăm H’roi ở khu phố Hiệp Hưng, thị trấn Vân Canh, tâm tình: “Từ nhỏ tôi thấy những người lớn trong làng biểu diễn cồng chiêng, trống kơ toang thì rất thích. Lớn lên tôi tự học, rồi được các chú bác lớn tuổi kèm dạy thêm khi tham gia các lớp tập huấn, giờ tôi biểu diễn thuần thục cồng ba, trống kơ toang để tự tin cùng các bạn trình diễn vào dịp lễ hội, các sự kiện văn hóa do huyện, tỉnh tổ chức”.
Cùng với cồng chiêng, trống kơ toang, huyện Vân Canh chú trọng bảo tồn phong tục, tập quán, lễ hội dân gian, tiếng nói, chữ viết, trang phục, nhạc cụ truyền thống… của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Ngọc Hương, ở khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh, cho biết: “Huyện, tỉnh hỗ trợ bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện bằng sự quan tâm vinh danh các nghệ nhân truyền dạy di sản, hỗ trợ hoạt động của các CLB, đội văn nghệ ở các địa phương, gìn giữ trang phục truyền thống, các lễ hội đổ đầu, ăn cốm lúa mới, cầu mưa… của đồng bào Chăm H’roi, Bana. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều hội thi, liên hoan để khích lệ, động viên tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số chung tay gìn giữ di sản văn hóa”.
Trong năm 2023, UBND huyện Vân Canh đã xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn diễn viên, nghệ nhân tham gia Lễ hội Trống đôi - Cồng ba - Chiêng năm mừng Xuân Quý Mão 2023 tại huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên); biểu diễn giao lưu với Đoàn nghệ thuật văn hóa dân gian Chăm tỉnh Ninh Thuận tại tháp Đôi, tháp Bánh Ít; Ngày hội văn hóa các dân tộc miền Trung lần thứ IV - năm 2023 do Bộ VH-TT&DL phối hợp UBND tỉnh tổ chức tại TP Quy Nhơn; Liên hoan văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Ðịnh lần thứ II - 2023 do UBND tỉnh tổ chức tại TP Quy Nhơn… Qua đó, tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số ở huyện Vân Canh.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Dự án 6 và chương trình hành động của Huyện ủy Vân Canh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Vân Canh gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2026, ông Lê Thanh Nhơn, Trưởng Phòng VH&TT huyện Vân Canh, cho biết: Huyện tiếp tục hỗ trợ duy trì hoạt động các đội văn nghệ, CLB cồng chiêng các xã, thị trấn, trường học; mở thêm các lớp tập huấn truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống, nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc tộc thiểu số ở địa phương. Năm tới, huyện tiếp tục ghi hình phục dựng lễ cưới truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm H’roi và Bana; đồng thời, chuẩn bị chu đáo các điều kiện để đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVII năm 2024…
ĐOÀN NGỌC NHUẬN