Quy hoạch Trung du và miền núi phía Bắc gồm 4 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế
Chiều 21.12, chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Quy hoạch phải xác định phát triển Trung du miền núi phía Bắc theo hướng xanh - bền vững - toàn diện.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc cần cách tiếp cận khoa học, bài bản, đánh giá đúng vai trò, vị trí của vùng trong sự phát triển chung của cả nước. Từ đó, Quy hoạch xác định những vấn đề liên địa phương, liên vùng, quốc gia cần giải quyết, nhằm tạo ra động lực mới, khơi dậy nguồn lực trên cơ sở phát huy tốt nhất lợi thế tự nhiên, kinh tế, xã hội, văn hóa… của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng, cửa ngõ phía Bắc quốc gia, giáp các vùng kinh tế lớn; đóng vai trò quan trọng trong cấp nước và cắt lũ cho hạ du; giàu tài nguyên, cảnh quan đặc sắc; đa dạng về văn hóa các dân tộc.
Tuy nhiên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc hạn chế trong kết nối giao thông nội vùng, liên vùng; tăng trưởng kinh tế không đồng đều; chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ngày càng tụt hậu so với bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Quy hoạch đã đề ra các nhiệm vụ, định hướng phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm giải quyết các điểm nghẽn gồm: Phân vùng hiệu quả tạo liên kết phát triển chặt chẽ, tối ưu hóa hệ thống hạ tầng; tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng; phát triển du lịch gắn với sinh thái, văn hóa, lịch sử và sự liên kết giữa các tiểu vùng; phát triển nông nghiệp hữu cơ xanh, đặc sản và công nghiệp có quy mô, tính chất phù hợp; phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội; kết nối liền mạch hệ sinh thái quản lý tài nguyên môi trường, tạo nền tảng phát triển xanh.
Quy hoạch xây dựng 4 tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế chính, 3 vành đai và 1 vùng động lực cùng phát triển kinh tế xã hội và chia sẻ đầu tư. Trong đó mỗi tiểu vùng là 1 vùng kinh tế tương đối hoàn chỉnh với vùng nguyên liệu, kết nối 2 cửa khẩu, kết nối cảng hàng không - hàng hải, chia sẻ cùng 1 hành lang kinh tế và các cơ sở hạ tầng xã hội. Quy hoạch đặt mục tiêu trước năm 2030, ưu tiên xây dựng và nâng cấp cao tốc Bắc Nam, mở thêm lối ra biển. Sau năm 2030, tăng cường kết nối đông tây nhằm liên kết chuỗi giá trị, gia tăng quy mô các trung tâm chế biến, sản xuất nông sản và liên kết hệ sinh thái du lịch.
Năm hành lang kinh tế của vùng Trung du và miền núi phía Bắc là: Hà Nội - Hoà Bình; Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang; Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng; Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn.
Cùng với việc xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông theo hướng Bắc - Nam, thì vai trò của các tuyến đường Đông - Tây có vai trò trọng nhằm gia tăng khả năng liên kết chuỗi giá trị nông nghiệp, tiếp cận thị trường và hệ sinh thái du lịch; mở rộng và kết nối vành đai công nghiệp tới hệ thống cảng biển, trung tâm logistics.
Các tuyến giao thông kết nối giữ vai trò quan trọng để phát triển ngành kinh tế lợi thế theo chuỗi giá trị, hệ sinh thái. Trong đó, công nghiệp ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, trọng tâm là công nghiệp chế biến.
Phiên họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Tại phiên họp, các chuyên gia phản biện và các địa phương cho rằng, Quy hoạch phải làm rõ hơn đặc trưng từng vùng và xác định phát triển kinh tế trọng tâm theo tiểu vùng, từ đó xác định mức độ ưu tiên trong lộ trình phát triển. Tập trung cho các ngành kinh tế lợi thế là nông, lâm nghiệp, dịch vụ môi trường, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái; phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng biên giới…
Theo PGS.TS Trần Trọng Hanh, Quy hoạch cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương và với các vùng khác; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và bền vững; lựa chọn dự án có tính đột phá và hình thành được khu vực có vai trò động lực phát triển của vùng…
Về định hướng phát triển nguồn nhân lực, GS.TS Đào Xuân Học nêu quan điểm cần hình thành các trung tâm động lực, cực tăng trưởng mới có thể thu hút được nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, ý kiến một số bộ, ngành, địa phương đề nghị bổ sung giải pháp kết nối hạ tầng giao thông phục vụ phát triển kinh tế biên giới, thương mại đa quốc gia; ưu tiên các dự án giao thông cho địa phương còn khó khăn, nhất là theo hướng Đông - Tây; bảo đảm an ninh nguồn nước; tăng cường liên kết mềm về văn hóa, lịch sử, du lịch; đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp…
Theo Lê Hoàng (VOV.VN)