Xây dựng tổ chức Đảng trong các ngân hàng dân doanh:
Tìm phương thức hoạt động phù hợp
Vừa qua, Ban tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Đảng ủy khối Doanh nghiệp (DN) tỉnh tổ chức tọa đàm với chủ đề “Xây dựng tổ chức Đảng trong các ngân hàng thương mại ngoài khu vực nhà nước” (gọi tắt là ngân hàng dân doanh). 14 ngân hàng dân doanh có dịp trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo ban, ngành liên quan những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng tổ chức đảng ở đơn vị.
Còn nhiều khó khăn
Tháng 9.2006, Chi bộ Ngân hàng TMCP Nam Á, chi nhánh Quy Nhơn được thành lập thuộc Đảng ủy khối DN tỉnh với 3 đảng viên đến nay đã có 9 đảng viên. Anh Hoàng Văn Khải, Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á, chi nhánh Quy Nhơn cho biết: “Sau khi thành lập, các đảng viên đang sinh hoạt ở địa phương có điều kiện chuyển về nơi đơn vị công tác sinh hoạt phù hợp hơn. Ðảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu về lối sống, năng lực, trách nhiệm làm việc. Từ đó, Chi bộ chỉ đạo thành lập tổ chức công đoàn, Đoàn thanh niên; phát động các phong trào thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh doanh của đơn vị và nhiều năm liền được công nhận là tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh”.
Tuy nhiên, công tác xây dựng tổ chức Đảng và phát triển đảng viên trong các ngân hàng dân doanh vẫn còn nhiều khó khăn trong việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và thống nhất mô hình sinh hoạt (trực thuộc Thành ủy, Đảng bộ khối DN tỉnh hay ngành dọc…). Ở tỉnh Bình Định hiện có 14 ngân hàng dân doanh với khoảng 632 lao động, trong đó đã có 5 chi bộ được thành lập (Ngân hàng TMCP Nam Á, chi nhánh Quy Nhơn; Ngân hàng TMCP Á Châu, chi nhánh Bình Định; Ngân hàng TMCP Quốc tế - Việt Nam; Ngân hàng TMCP Sài Gòn, chi nhánh Bình Định; Ngân hàng TMCP Đông Á, chi nhánh Bình Định) với 46 đảng viên. Anh Nguyễn Phúc Hưng, Bí thư chi bộ Ngân hàng TMCP Á Châu, chi nhánh Bình Định, cho biết: “Dù được Đảng bộ phường Lê Lợi quan tâm tạo điều kiện sinh hoạt nhưng phải nói thật rằng các nội dung sinh hoạt ở đây không phù hợp với các đảng viên của chi bộ, gần như cũng không giúp được gì nhiều cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng”.
Một số ngân hàng dân doanh không thể phát triển đảng viên vì đội ngũ lao động, nhân sự không ổn định, thường xuyên bị điều động, luân chuyển hoặc nghỉ việc. Và một thực tế cũng cần được ghi nhận là nhiều nhân viên không mặn mà với việc phấn đấu trở thành đảng viên.
Tại tọa đàm, anh Đinh Ngọc Anh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Kỹ thương - chi nhánh Bình Định trao đổi: “Tôi nhận thấy việc hình thành tổ chức đảng dành cho khối ngân hàng dân doanh rất cần thiết. Chúng tôi cần các ban, ngành liên quan tạo điều kiện cũng như định hướng để phát triển đảng viên, xây dựng một tổ chức đảng dành cho khối ngân hàng để gắn kết, phát triển mạnh hơn”.
Lần đầu tiên các ngân hàng dân doanh ngồi lại với nhau chia sẻ, mong muốn hình thành tổ chức đảng cho mình. Bí thư Đảng ủy khối DN tỉnh Trần Văn Thọ khẳng định: “Việc xây dựng tổ chức Đảng trong các ngân hàng dân doanh có lợi cho các ngân hàng. Nếu có, tổ chức này nên trực thuộc Đảng ủy khối DN tỉnh để được chỉ đạo, định hướng đúng về mặt nguyên tắc, chủ trương của Đảng, Nhà nước; tạo mối quan hệ với các đơn vị khác để nâng cao hiệu quả kinh doanh”.
Kết thúc buổi tọa đàm, đồng chí Lê Minh Tuấn, Phó Ban tổ chức Tỉnh ủy ghi nhận các kiến nghị, góp ý, trao đổi. Theo ông Tuấn, vấn đề quan trọng hiện nay là phải làm sao để các ngân hàng dân doanh coi việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong đơn vị là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi DN. Sau buổi tọa đàm này, Ban Tổ chức Tỉnh ủy và đơn vị liên quan sẽ sớm có hướng dẫn thành lập và xác lập tổ chức đảng trong các ngân hàng dân doanh sẽ trực thuộc cấp nào để hoạt động có hiệu quả, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên nhằm thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 12 - CT/TU, ngày 7.11.2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước”.
HẢI YẾN