Doanh nghiệp sản xuất đồ uống: Vừa sản xuất vừa ngóng thị trường
Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống trên địa bàn tỉnh đang tích cực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường và tham gia sự kiện thương mại, triển lãm, quảng bá thương hiệu... chuẩn bị cho dịp tết đang về.
Thời điểm này, nhiều DN đang tích cực chuẩn bị hàng hóa cho thị trường tết. Khác với mọi năm, các DN vừa sản xuất, vừa xem động tĩnh của thị trường để cân đối lượng hàng hóa cho phù hợp, tránh bị tồn kho.
Ông Phan Anh Triết, Phó Giám đốc Công ty CP Nước khoáng Quy Nhơn, cho biết: Năm 2023, doanh thu công ty đạt 176 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 3% so với năm ngoái. Thông lệ, mức tăng trưởng ngành đồ uống mỗi năm dao động 5%. Tình hình kinh tế quá khó khăn, sức tiêu thụ giảm trong khi giá nguyên liệu sản xuất nước giải khát tăng. Việc tiêu thụ một số sản phẩm bán không thuận lợi nhưng công ty cố gắng duy trì để tạo việc làm cho công nhân.
Theo ông Triết, công ty chuẩn bị hơn 3 triệu chai nước khoáng Life, 5 triệu chai nước giải khát các loại phục vụ thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán, tăng 20% so với năm ngoái. Năm 2024, công ty đưa ra mẫu các loại nước giải khát đóng vào lon nhôm với nhiều mẫu mã đẹp đảm bảo chất lượng. Công ty đang đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn để phục vụ khách hàng, trong bối cảnh sức tiêu thụ còn hạn chế.
Công ty CP Nước khoáng Quy Nhơn đầu tư đóng lon nhôm các loại nước giải khát phục vụ thị trường trước, trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ảnh: HẢI YẾN
Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Bia Sài Gòn Miền Trung tại Quy Nhơn, năm nay kinh tế khó khăn, sản lượng giảm 20% nhưng lợi nhuận giữ như năm 2023. Đó là nhờ công ty tính toán chi li, đưa nhiều giải pháp cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí và tập trung đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm bia có giá trị cao.
Sau năm 2022, Công ty CP Tingco Bình Định tiếp tục giảm sản lượng gần 20% vì tình hình kinh tế khó khăn. Bà Nguyễn Thị Oanh, Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty CP Tingco Bình Định, cho biết: Hiện nay, chúng tôi gặp nhiều khó khăn, dù nỗ lực tìm cách tháo gỡ nhưng sức mua giảm, trong khi giá nguyên liệu lại tăng; đã vậy sản phẩm của DN chủ yếu phục vụ lao động trong các nhà máy, xí nghiệp nhưng nhiều nơi cắt giảm hoặc cho công nhân làm việc luân phiên, điều này tác động đến sức mua rất lớn. Theo kế hoạch, từ đầu năm 2024, công ty sẽ sản xuất cầm chừng từ 33.000 - 35.000 thùng nước giải khát các loại mỗi ngày vừa theo sát diễn biến thị trường để điều chỉnh cho phù hợp.
Trong khó khăn, một số DN nỗ lực tham gia các kênh xúc tiến thương mại, hội chợ khá hiệu quả; chủ động tạo mẫu mã mới, đa dạng hóa dải sản phẩm, tích cực khai thác thị trường mới, gặp gỡ khách hàng và tiếp thị sản phẩm. Từ đó có được các giải pháp linh hoạt để trụ vững, vượt qua thời điểm khó khăn.
Bà Trương Thị Xuân Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Belifoods, cho biết: Năm nay, chúng tôi bổ sung vào danh mục sản phẩm thêm một số sản phẩm mới như rượu bạc hà, rượu bưởi, rượu vải, rượu nhãn… Dù vậy so với năm ngoái, tình hình kinh doanh khá ảm đạm, sản lượng giảm 30%.
DN hoạt động cầm chừng, lượng hàng xuất bán cho đối tác giảm; việc tiêu thụ cũng chậm hơn, tình hình đó buộc chúng tôi phải đổi mới sản xuất để nâng cao hiệu quả; cùng với đó, còn nỗ lực tham gia các triển lãm, hội chợ, gặp gỡ, kết nối giao thương, tương tác thường xuyên với các kênh phân phối để tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng thị trường. Năm 2024, công ty cố gắng ra mắt sản phẩm rượu vang nếp ủ 8 năm, hy vọng được người tiêu dùng ưa chuộng.
DN ngành đồ uống trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt tâm lý tiêu dùng của khách hàng để có những thay đổi phù hợp, linh hoạt tìm kiếm thị trường. So với mọi năm, vào mỗi dịp Tết, DN đồ uống đều “mạnh tay” đa dạng hóa các dòng sản phẩm, thay đổi mẫu mã, bao bì theo màu sắc xuân để thu hút khách hàng. Chuẩn bị năm mới 2024, các DN thay đổi mẫu mã ít hơn nhưng tìm cách giành lợi thế trong triển khai chương trình khuyến mãi nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.
HẢI YẾN