Sát cánh cùng tiến bộ
Chương trình “Ươm mầm hữu nghị” do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh và Hội Hữu nghị Việt - Lào tổ chức hướng đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các lưu học sinh Lào được rèn luyện, mở rộng giao lưu với sinh viên Việt Nam. Sau gần 3 năm triển khai, chương trình đã có những kết quả nhất định.
Rút ngắn khoảng cách
Trong khuôn khổ chương trình, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Tỉnh đoàn và các trường đại học, cao đẳng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: Tình nguyện hè, Ngày hội văn hóa “Sinh viên Việt - Lào, tự hào tiếp bước”, tham quan các di tích lịch sử trong tỉnh, thăm tặng quà vào các ngày lễ lớn…
Sinh viên Lào của hai trường ĐH Quy Nhơn và CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn trình diễn tiết mục múa cồng chiêng tại Ngày hội Chào đón tân sinh viên năm 2023. Ảnh: D.L
Không chỉ ở cấp tỉnh, mỗi trường cũng có chương trình riêng để sinh viên Lào hòa nhập tốt hơn. 14 sinh viên Lào tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn được trường tạo điều kiện tham gia nhiều hoạt động như: Ngày hội tân học sinh, sinh viên; Giải bóng đá nhân ngày Quốc khánh Lào... Đặc biệt, thực hiện hoạt động đỡ đầu, giúp đỡ sinh viên Lào, nhà trường đã vận động DN trao học bổng cho 2 trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Song song với đó, trường cũng phân công giảng viên theo sát, giúp đỡ các em trong học tập và cuộc sống.
Hăng hái tham gia mọi chương trình giao lưu các cấp, là một trong hai trường hợp được tặng học bổng, Tongsomvhang Phikvan (sinh viên lớp CĐ Liên thông K16 Điện công nghiệp B, Khoa Kỹ thuật điện), chia sẻ: “Điều tôi cảm động nhất là giảng viên luôn đồng hành trong mọi hoạt động của sinh viên Lào. Thầy cô còn rủ chúng tôi vào bếp, nấu nướng vào những dịp đặc biệt. Sự gần gũi ấy khiến chúng tôi vơi đi nỗi nhớ nhà”.
Tại Trường ĐH Quy Nhơn, “Đôi bạn cùng tiến” là mô hình trọng tâm được triển khai nhằm kéo gần khoảng cách giữa sinh viên hai nước. Nhà trường đã vận động những sinh viên Việt Nam có kết quả học tập và rèn luyện tốt giúp đỡ 27 sinh viên Lào gặp khó khăn trong học tập, sinh hoạt.
Là điển hình được nhà trường tuyên dương, Nguyễn Trung Hiếu và Sikeophaiboun Xayyavongkhamdy (sinh viên lớp Ngân hàng và kinh doanh tiền tệ K44, Khoa Tài chính - Ngân hàng) là đôi bạn thân thiết luôn đồng hành cùng nhau. Vốn là người có tốc độ nói nhanh, Hiếu phải tập nói chậm rãi, diễn đạt rõ từng ý để cô bạn hiểu được. Ngoài giờ học chính, Hiếu còn cùng một số bạn người Việt rủ 5 bạn Lào chung lớp tổ chức học nhóm, sẵn sàng hỗ trợ các bạn giải bài tập.
Dùng vốn tiếng Việt đang tiến bộ từng ngày, Xayyavongkhamdy “khoe” cậu bạn thân: “Năm nhất, lớp chúng tôi học online vì Covid-19. Khi đó, tôi ấn tượng vì dù chưa gặp mặt nhưng Hiếu rất nhiệt tình hỏi tôi có hiểu lời thầy cô giảng không, có ghi chép kịp không. Sau này, Hiếu chủ động hỏi thăm và kêu gọi các bạn người Việt khác cùng giúp sinh viên Lào. Nhờ đó, tôi có nhóm bạn thân cùng ôn thi, cùng thăm thú một số điểm đến thú vị ở Quy Nhơn”.
Xayyavongkhamdy (trái) và Hiếu cùng ôn bài sau giờ học. Ảnh: D.L
Từ “ươm mầm” đến “hái quả”
Với phương châm “không ngừng đổi mới để tăng hiệu quả”, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh đặt vấn đề sáng tạo thêm nhiều chương trình sinh động, gần gũi để sinh viên Lào cảm nhận được sự quan tâm của người Việt trong quá trình học tập, sinh sống tại đây.
Ông Mai Thanh Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, khẳng định: “Việc sáng tạo các chương trình mang tính trải nghiệm thực tế gắn với sinh hoạt hằng ngày giúp sinh viên Lào thân thiết hơn với tổ chức, cá nhân đỡ đầu, hiểu rõ cách sống, phong tục, tập quán của Bình Định. Ở phía ngược lại, chúng tôi hy vọng các trường sẽ khuyến khích sinh viên Việt Nam tìm hiểu, học thêm tiếng Lào để quan hệ hữu nghị hai nước thêm khắng khít”.
Về phía các trường, việc sâu sát tình hình sinh viên Lào để nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình là điều cần thiết. Phát biểu tại buổi tổng kết chương trình “Ươm mầm hữu nghị” do Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức ngày 1.12, Phó hiệu trưởng Đinh Anh Tuấn cho biết: Qua nắm bắt tâm tư cũng như kết quả học tập của của sinh viên Lào, nhà trường đang xem xét thành lập CLB Tiếng Việt cho sinh viên Lào, tạo môi trường rèn luyện tiếng Việt vui vẻ, thiết thực, bổ ích. Đồng thời, hy vọng các tổ chức sẽ chung tay, cùng nhà trường vận động DN tài trợ thêm học bổng, khuyến khích sinh viên Lào nâng cao thành tích học tập, rèn luyện.
Trước ý kiến sinh viên Lào mong muốn tham gia nhiều hoạt động cộng đồng hơn nữa, Chị Huỳnh Thị Thanh Nguyệt - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh, cho hay: “Thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động phù hợp với nguyện vọng của sinh viên Lào; đặc biệt chú trọng chương trình tình nguyện hè, giúp các bạn trải nghiệm, học được nhiều kỹ năng ít có cơ hội rèn dũa trong môi trường giảng đường”.
DƯƠNG LINH