Trao Quyết định phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định
Trong khuôn khổ hội nghị, sáng nay 23.12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho tỉnh Bình Định.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, nhận quyết định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (bìa phải) trao Quyết định phê duyệt quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Bình Định phấn đấu trong nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung
Trước đó, trong công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng nhấn mạnh: Quy hoạch hướng đến mục tiêu năm 2030, Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại. Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh dựa trên các trụ cột tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ du lịch, cảng biển - logistics; nông nghiệp công nghệ cao; đô thị hóa. Thực hiện thành công các mục tiêu chuyển đổi số, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các DN lớn trong và ngoài nước.
Đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung với GRDP bình quân đầu người và đô thị hóa cao hơn bình quân chung cả nước; trở thành trung tâm kinh tế biển; trung tâm KH&CN, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) quan trọng của Việt Nam; trung tâm du lịch lớn của cả nước, trung tâm kết nối khu vực vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ; Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông - Tây.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
5 trụ cột và 3 đột phá phát triển
Cụ thể, quy hoạch tỉnh Bình Định xác định 5 trụ cột và 3 đột phá phát triển.
Trong đó, 5 trụ cột phát triển tập trung:
Tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp 4.0, trọng tâm là công nghiệp chế biến chế tạo giá trị cao. Chú trọng đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất thép, điện gió ngoài khơi, năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, sản xuất dược phẩm, linh kiện điện tử, bán dẫn, công nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo (AI)… tạo nền tảng và góp phần quyết định thúc đẩy tăng trưởng và phát triển cho tỉnh.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Xây dựng Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng riêng: du lịch biển, du lịch văn hóa đặc sắc và các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh như du lịch khám phá khoa học, du lịch gắn với võ cổ truyền, bài chòi dân gian Bình Định, ẩm thực... Tập trung phát triển, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu của châu Á”; hình thành, phát triển các tuyến du lịch mới trong tỉnh.
Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Chú trọng ứng dụng khoa học, công nghệ để hiện đại hóa và nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, đẩy mạnh chăn nuôi công nghệ cao, thực hành khai thác, nuôi trồng thủy sản và trồng rừng bền vững; nâng cấp chuỗi giá trị nông nghiệp thông qua thu hút nhà đầu tư lớn vào các khâu trong chuỗi giá trị từ nuôi trồng, sản xuất đến chế biến, phân phối.
Phát triển mạnh mẽ dịch vụ cảng biển - logistics, nhằm khai thác hết tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển của tỉnh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, thúc đẩy dịch vụ cảng biển - logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Nâng cấp sân bay Phù Cát trở thành sân bay quốc tế phục vụ cho phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Xây dựng đô thị sân bay gắn với khu công nghiệp Hòa Hội để phát triển công nghiệp điện tử, bán dẫn. Phát triển công nghiệp, đô thị, logistics dọc các tuyến cao tốc Bắc - Nam và cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Phát triển đô thị nhanh và bền vững, đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
3 đột phá phát triển được nhấn mạnh vào xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh; hình thành các tuyến giao thông quan trọng kết nối liên tỉnh, liên vùng; kết nối với cảng hàng không Phù Cát, cảng Quy Nhơn. Đồng thời, chú trọng nâng cấp, phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thông tin, hạ tầng đô thị, công nghiệp, nhất là các đô thị trung tâm và khu kinh tế động lực của tỉnh.
Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; nâng cao chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).
Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của tỉnh. Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch thu hút, đào tạo, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hợp tác với các trường ĐH hàng đầu trong đào tạo các ngành KH&CN, kỹ thuật và toán học, AI.
2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế
Trong quy hoạch, cấu trúc không gian đô thị phát triển theo mô hình: 2 vùng - 3 cực phát triển - 3 hành lang kinh tế.
Theo đó, 2 vùng KT-XH bao gồm: Phân vùng Bắc (đô thị Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão); phân vùng Nam (7 đơn vị hành chính phía Nam là TP Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và các huyện Vân Canh, Phù Cát, Vĩnh Thạnh).
Ba cực phát triển là TP Quy Nhơn và vùng phụ cận - động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh; TX Hoài Nhơn - cửa ngõ phía Bắc, hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh; đô thị Tây Sơn - cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây tỉnh. 3 hành lang kinh tế gồm: Hành lang kinh tế Bắc - Nam; hành lang kinh tế biển; hành lang kinh tế Đông - Tây…
3 cực phát triển được xác định: TP Quy Nhơn và vùng phụ cận là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh; TX Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh; huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây tỉnh.
Trong 3 hành lang kinh tế, hành lang kinh tế Bắc Nam phát triển dọc theo QL1, kết nối các đô thị và KCN, CCN của tỉnh Bình Định với các KCN, CCN dọc duyên hải Trung bộ, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc Nam.
Hành lang kinh tế biển là dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT.639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp gang thép, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen/amoniac xanh…); trong đó xem xét khả năng mở rộng các cảng biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng thành tổ hợp cảng tổng hợp và sản xuất, xuất khẩu năng lượng mới.
Hành lang kinh tế Đông Tây phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của QL19, thúc đẩy giao thương với vùng kinh tế thuộc các tỉnh Tây Nguyên là đầu mối xuất khẩu nông, lâm, thổ sản; nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất vùng Tây Nguyên.
3 không gian phát triển
Quy hoạch cũng xác định cụ thể 3 không gian phát triển các hoạt động KT-XH của tỉnh.
Trong đó, không gian công nghiệp được phân bố theo 3 vùng chính. Vùng dọc tuyến QL19, QL19B, QL19C và TP Quy Nhơn (TP Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, huyện Phù Cát và một phần huyện Vân Canh) phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp (công nghiệp chế biến đồ gỗ, chế biến đá, thức ăn chăn nuôi, nhựa, công nghiệp sản xuất và lắp ráp điện, điện tử, dệt may, công nghiệp hàng tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ và năng lượng tái tạo); vùng đồng bằng ven biển và ven QL1 (TX Hoài Nhơn, Phù Mỹ và Phù Cát) tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp có thế mạnh như chế biến thủy sản, chế biến khoáng sản; chế biến gang thép, đóng tàu; chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng (sản phẩm gạch ngói, bê tông, đá granite…), sản phẩm giấy, nhựa, may mặc, năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió ngoài khơi, ven bờ...); thu hút đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất và lắp ráp điện, điện tử gắn với phát triển vùng sân bay Phù Cát.
Vùng trung du miền núi (các huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh và một phần huyện Vân Canh) tiếp tục hình thành và phát triển các vùng chuyên canh trồng cây công nghiệp tập trung, trồng rừng gỗ lớn, vùng gỗ tạo nguyên liệu giấy, lâm đặc sản, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm tạo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy gia công chế biến sản phẩm đồ gỗ, chế biến sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt.
Không gian thương mại phát triển theo 3 hành lang: Hành lang thương mại Bắc - Nam; hành lang thương mại Đông - Tây; hành lang thương mại ven biển theo tuyến đường tỉnh ĐT.639: Là trục phát triển phía Đông của tỉnh kéo dài từ Tam Quan đến hết Bình Định đi Phú Yên. Trọng tâm phát triển các trung tâm nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm thương mại dịch vụ, năng lượng tái tạo, đô thị du lịch biển, cảng biển.
Không gian du lịch phát triển theo 3 cụm: Cụm du lịch TP Quy Nhơn và phụ cận; cụm du lịch Tây Sơn - An Nhơn và phụ cận; cụm du lịch Hoài Nhơn và phụ cận.
Phát triển không gian nông, lâm nghiệp và thủy sản theo 4 vùng: Vùng phát triển trồng trọt; vùng phát triển chăn nuôi; vùng phát triển thủy sản; vùng phát triển lâm nghiệp.
Phát triển mạng lưới giao thông
- Đường bộ: Mạng lưới cao tốc, quốc lộ, đường ven biển thực hiện theo quy hoạch quốc gia. Ưu tiên triển khai xây dựng tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.
Xây dựng hệ thống đường tỉnh kết nối các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ đến các khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ trọng điểm, đường vào khu cụm công nghiệp.
Quy hoạch phát triển hệ thống đường tỉnh đến năm 2030 gồm 16 tuyến, trong đó giữ nguyên 2 tuyến; điều chỉnh, kéo dài 8 tuyến; quy hoạch xây dựng mới 6 tuyến.
Quy hoạch đầu tư nâng cấp, xây dựng mới tuyến đường phía Tây tỉnh.
Từng bước hoàn chỉnh, đồng bộ hóa các tuyến trục giao thông, nút giao thông đô thị, hiện đại hóa mạng lưới đường nội thị gắn với chỉnh trang đô thị, kết hợp các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm. Nâng cấp và xây dựng mới bãi đỗ xe tại các đô thị, chuyển đổi một số bến xe trong trung tâm thành bãi đỗ xe tĩnh áp dụng công nghệ tiên tiến.
- Đường sắt: Nâng cấp ga Diêu Trì thành ga tổng hợp, xây dựng mới 2 ga hàng hóa đường sắt tại khu vực xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước) và xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) phục vụ vận chuyển hàng hóa cho cảng Quy Nhơn, KKT Nhơn Hội và các trung tâm logistics. Đến năm 2030, tiếp tục duy trì và khai thác nhánh đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn. Sau năm 2030, nghiên cứu xây dựng mới đoạn tuyến Diêu Trì - Nhơn Bình, chuyển ga hàng hóa Quy Nhơn ra Nhơn Bình; chuyển ga Quy Nhơn thành ga hành khách đô thị phục vụ phát triển đường sắt đô thị, tận dụng hành lang của tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn để phát triển đường sắt đô thị (hỗ trợ phát triển đô thị xung quanh tuyến). Nghiên cứu bổ sung các tuyến đường sắt đô thị kết nối với ga Quy Nhơn và phát triển đô thị gắn kết với ga Quy Nhơn theo mô hình TOD. Quy hoạch phát triển mạng lưới đường sắt đô thị kết nối TP Quy Nhơn đến Cát Tiến, An Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát, Canh Vinh...
- Cảng hàng không Phù Cát: Đầu tư mới nhà ga, mở rộng sân đỗ, xây dựng thêm đường cất hạ cánh thứ hai và các đường lăn phù hợp với quy hoạch. Nghiên cứu khả năng phát triển Cảng hàng không Phù Cát đến năm 2030 là Cảng hàng không cấp 4E (công suất 5,0 triệu hành khách/năm, 12.000 tấn hàng hóa/năm) và chuyển thành cảng hàng không quốc tế khi đảm bảo các điều kiện theo quy định; giai đoạn đến năm 2050 là Cảng hàng không cấp 4E (công suất 7,0 triệu hành khách/năm, 27.000 tấn hàng hóa/năm) khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.
- Cảng biển: Nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các bến cảng thuộc các khu bến Quy Nhơn - Thị Nại - Đống Đa; khu bến Nhơn Hội; các bến phao (hàng lỏng) tại Quy Nhơn sẽ được di dời phù hợp với tiến trình mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch. Nghiên cứu định hướng điều chỉnh tách Bến cảng Phù Mỹ thành 2 khu bến bao gồm khu bến Phù Mỹ tại xã Mỹ An, Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ và khu bến Hoài Nhơn tại TX Hoài Nhơn. Nghiên cứu khả năng mở rộng các cảng biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng thành tổ hợp cảng tổng hợp và sản xuất, xuất khẩu năng lượng mới.
- Cảng cạn: Đầu tư hệ thống cảng cạn theo quy hoạch. Nghiên cứu định hướng đầu tư bổ sung cụm cảng cạn tại huyện Vân Canh và mở rộng quy mô hệ thống cảng cạn trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích 71 ha khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.
- Đường thủy nội địa: Quy hoạch 17 tuyến đường thủy nội địa; quy hoạch các cụm cảng, bến thủy nội địa phục vụ neo đậu, xếp dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ hỗ trợ khác.
NHÓM PV KT-VH-XH