Cần chính sách hỗ trợ cho VÐV dính chấn thương
Những ngày qua, thông tin về VĐV đội tuyển Thể dục dụng cụ trẻ quốc gia Nguyễn Minh Triết bị chấn thương nặng trong lúc tập luyện nhận được sự quan tâm của đội ngũ những người trong ngành thể thao. Sự cố đáng tiếc không chỉ khiến VĐV 17 tuổi này chia tay sự nghiệp thể thao mà ngay cả việc hoạt động trở lại như người bình thường cũng rất khó xảy ra. Liên đoàn Thể dục Việt Nam đã kêu gọi sự hỗ trợ từ cộng đồng và đã nhận được sự hỗ trợ, với hy vọng giúp Triết vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trước đó, thể thao Việt Nam đã không ít lần chứng kiến những VĐV dính chấn thương nặng do tai nạn và tập luyện, phải sớm giã từ sự nghiệp khi đang trong giai đoạn đỉnh cao như Trương Thanh Hằng (điền kinh), Nguyễn Thị Thà (xe đạp), Lê Thị Huệ (vật), Trần Thanh Ngời (judo)…
Những rủi ro có thể xảy đến với bất kỳ VĐV nào, và họ chấp nhận điều đó ngay từ khi quyết định dấn thân với niềm đam mê của mình. Nhưng việc chưa có chính sách cụ thể quy định về chế độ đối với VĐV dính chấn thương trong tập luyện và thi đấu khiến VĐV gặp sự cố rất khó khăn, có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nghị định 152/NĐ-CP của Chính phủ cũng chỉ quy định về việc điều trị cho VĐV chấn thương trong thời gian tập huấn, thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Trong khi chấn thương có thể xảy đến với bất kỳ VĐV nào, kể cả ở đội tuyển tỉnh.
Ngay tại Bình Định, chấn thương cũng khiến nhiều VĐV giã từ sự nghiệp; nhất là ở những môn có khối lượng tập luyện nặng, tính chất thi đấu đối kháng trực tiếp, có thể kể đến những trường hợp ở đội tuyển võ cổ truyền Bình Định như: Lê Trung Kỳ, Nguyễn Quốc Tiễn, Lê Ngọc Trai, Hồ Tấn Đạt… Hầu hết trong số họ đều tự chữa trị chấn thương, hoặc có hỗ trợ từ ngành thể thao, nhưng do chưa có quy định cụ thể nên cũng chỉ nhận được sự quan tâm rất hạn chế. Ngay cả VĐV Nguyễn Thị Hằng Nga trong hành trình bảo vệ HCV SEA Games cũng phải chiến đấu với những cơn đau dai dẳng suốt nhiều tháng liền.
Một vấn đề cũng cần được quan tâm nhiều hơn là việc thiếu nhân viên y tế chuyên trách thể thao tại các trung tâm thể thao tỉnh, nơi VĐV luôn đối mặt với các nguy cơ chấn thương ở nhiều mức độ khác nhau. Với số lượng VĐV khoảng 300 người thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh, Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định thường xuyên tập luyện nhưng không có sự hỗ trợ của nhân viên y tế là điều bất cập. Không chỉ hỗ trợ, sơ cứu, chăm sóc ban đầu cho VĐV dính chấn thương, nhân viên y tế còn là người theo dõi sức khỏe để tư vấn cho HLV về cường độ tập luyện cho từng VĐV cụ thể. Bên cạnh đó, họ còn tham gia hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, cách hồi phục thể lực sau những buổi tập. Qua đó, giúp VĐV luôn đạt trạng thái thể lực tốt nhất để thực hiện tốt giáo án do HLV đưa ra, đạt hiệu quả cao trong thi đấu.
Từ câu chuyện của VĐV Nguyễn Minh Triết, thiết nghĩ các ngành, các cấp có liên quan cần xây dựng quy định cụ thể chính sách hỗ trợ cho VĐV khi bị chấn thương trong quá trình tập luyện, thi đấu. Có như vậy, VĐV mới yên tâm cống hiến hết mình, đem về nhiều vinh quang cho Tổ quốc ở các giải đấu.
HOÀNG QUÂN