Ðịa bạ thôn Hương Mai thời vua Minh Mạng
Từ một bản địa bạ thôn Hương Mai thời vua Minh Mạng do một người dân ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) sao chụp từ Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Hà Nội), chúng tôi đã tìm hiểu, phiên dịch làm rõ nội dung địa bạ với nhiều dữ liệu hay liên quan đến phân chia ruộng đất công tư thời Nguyễn.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu trong sách Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn, công cuộc đạc điền và lập địa bạ cho khoảng 16.000 xã, thôn toàn quốc được triều Nguyễn tiến hành suốt 31 năm (1805 - 1836). Các sổ địa bạ gom lại thành 10.044 tập được lưu giữ cẩn thận trong Tàng thư lâu ở nội thành Huế. Triều Nguyễn lập địa bạ khắp nơi trên cả nước và chỉ làm 1 lần, riêng tỉnh Bình Định lập địa bạ 2 lần vào năm Gia Long thứ 14 (1815); năm Minh Mạng thứ 20 (1839) - lúc thi hành chính sách quân điền riêng tại Bình Định, và được thực hiện chỉ trong vòng 3 tháng (tháng 7 - 10.1839).
Bản sao một số trang địa bạ thôn Hương Mai. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - phần Bình Định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, chính sách quân điền tại Bình Định thực thi theo chỉ dụ của vua Minh Mạng vào năm 1839 nhằm củng cố chế độ công điền thổ, hạn chế sự phát triển của chế độ tư hữu ruộng đất. Theo đó, toàn bộ ruộng đất ở tỉnh Bình Định đã được đo đạc ghi chép địa bạ, gồm có 2 phủ: Hoài Nhơn (có 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát và 9 tổng, 394 thôn), phủ An Nhơn (có 2 huyện: Tuy Phước, Tuy Viễn và 6 tổng, 253 thôn, 1 trang).
Địa bạ thôn Hương Mai có 18 trang do Lý trưởng Đoàn Văn Thân, cùng Hương mục Phan Đức Thục kê khai và chép trong 13 trang; 5 trang còn lại là phần ký, đóng dấu triện xác nhận từ thôn lên đến tỉnh và Bộ Hộ; có địa giới hành chính: Phía Đông giáp đầm San Hô Hải Đông; phía Tây giáp sông và đầm Hải Hạc; phía Nam giáp cửa biển Thị Nại; phía Bắc giáp Eo Vượt và đầm Hải Đông.
Tổng diện tích điền thổ thôn Hương Mai có 20 mẫu 5 sào 8 thước 4 tấc, gồm: Công điền 16 mẫu 8 thước 5 tấc; tư điền 5 sào; tư thổ 1 mẫu 5 sào; công điền bị nước phá 5 sào; diện tích dân cư thổ trạch 2 mẫu. Tổng diện tích công điền của thôn Hương Mai được phân thành 3 loại ruộng, gồm: Nhất đẳng điền (ruộng loại 1 - diện tích 9 sào); nhị đẳng điền (ruộng loại 2 - diện tích 1 mẫu 5 sào) và tam đẳng điền (ruộng loại 3 - diện tích 13 mẫu 6 sào 8 thước 4 tấc). Một năm canh tác hai vụ Hạ - Thu; mỗi vụ được quy định số diện tích công điền canh tác tại mỗi xứ với quy mô, tỷ lệ khác nhau…
Thôn Hương Mai được chia làm 3 xứ có diện tích điền thổ riêng, gồm: Hương Mai (5 sào); Ngoại Khái (15 mẫu 3 thước 1 tấc); Dầm Đàm (1 mẫu 5 thước 3 tấc). Riêng trong diện tích điền thổ xứ Ngoại Khái có những thửa ruộng trước là quan điền thôn Bình Thạnh (nay là phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) có giáp giới ruộng tam bảo của 2 ngôi chùa: Long Khánh (nay thuộc phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn), Bình An (nay ở phường Nhơn Bình) được trích giao lại cho thôn Hương Mai làm công điền.
Một góc xã Nhơn Hải bây giờ (xưa là thôn Hương Mai). Ảnh: NGỌC NHUẬN
Các địa danh, chùa chiền ghi trong địa bạ vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay, như chùa Long Khánh, Bình An, Hương Mai (xã Nhơn Hải); các địa danh Gành Lò, Eo Vượt, thôn Hội Lộc (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn)…
Có thể nói địa bạ thôn Hương Mai là một tư liệu Hán - Nôm có giá trị, đóng góp thêm vào quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về các làng xã ở huyện Tuy Phước nói riêng, tỉnh Bình Định nói chung vào đầu thế kỷ XIX.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, địa bạ là một quyển sổ hành chính ghi chép và mô tả thật rõ ràng, từ tổng quát đến chi tiết, địa phận của làng; diện tích các loại ruộng đất; liệt kê từng thửa với diện tích, địa giới và họ tên chủ sở hữu, thủ tục xác nhận của các cấp chính quyền, mỗi loại hạng điền thổ… có thể lên được một tấm bản đồ địa lý hình thể, nông nghiệp, KT-XH của làng.
Địa bạ tượng trưng cho cương thổ thiêng liêng “bao nhiêu tấc đất tấc vàng bấy nhiêu” nên được triều Nguyễn bảo quản cẩn trọng. Mỗi sổ địa bạ được chép làm 3 bản y nhau: Bản GIÁP lưu giữ ở triều đình, bản ẤT lưu giữ ở tỉnh và bản BÍNH lưu giữ ở làng.
NGỌC NHUẬN - HOÀNG BÌNH