Cách phòng chống bệnh mùa đông xuân cho trẻ
Thời tiết mùa đông xuân thường lạnh, trẻ em là đối tượng dễ bị mắc một số bệnh nên phụ huynh cần lưu ý các biện pháp phòng một số bệnh cho trẻ.
Sởi: Là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút gây ra, lây truyền qua đường hô hấp. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả trẻ chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng sởi đều có thể mắc bệnh này.
Viêm họng cấp tính: Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho, có thể kèm theo sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh thường thấy do loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A, có nhiều trường hợp do vi rút. Nếu không được chữa trị hiệu quả, có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, biến chứng tại cơ tim và van tim. Chính vì vậy, khi trẻ bệnh phải cho đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa để điều trị kịp thời.
Viêm amidan: Triệu chứng đầu tiên là khó nuốt, đau trong họng, có thể lạc giọng, mệt mỏi và có thể sốt cao hơn 380C. Bên cạnh đó, khi trẻ bị amidan sẽ cảm thấy miệng khô đắng, lưỡi trắng, niêm mạc họng đỏ và góc hàm của trẻ có thể nổi hạch. Đối với tình trạng viên amidan mãn tính, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra hội chứng ngưng thở khi ngủ và sẽ ảnh hưởng đến chức năng tai của trẻ.
Viêm khí phế quản: Có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết hoặc bị viêm họng, viêm mũi do không chữa trị hiệu quả kịp thời hoặc theo diễn biến của bệnh… Nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ, nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ bị nhiễm trùng lan rộng và sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang và nhu mô phổi rất nguy hiểm với các triệu chứng sốt cao, ho khạc, ho đàm đặc, có màu xanh hoặc vàng, trẻ nằm ì một chỗ, li bì.
Để phòng bệnh, cần tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch. Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; cho trẻ mặc ấm, giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tiêu chảy, bệnh hô hấp…, hạn chế đến chỗ đông người. Uống nước ấm, ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hằng ngày. Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình. Khi trẻ hắt hơi sổ mũi thì nên nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý, mát xa lưng và tay chân trẻ bằng ít dầu khuynh diệp để kích thích máu huyết lưu thông, tăng cường miễn dịch. Khi trẻ bệnh nên đưa đi khám, không nên tự ý dùng thuốc.
MINH PHƯỢNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)