Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Cần phá vỡ “phòng tuyến” của giới trẻ
Với chủ đề “Tham gia tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn vì hạnh phúc gia đình, vì tương lai đất nước”, Tháng hành động quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26.12 năm nay nhấn mạnh đến tầm quan trọng, sự cần thiết của khám sức khỏe tiền hôn nhân để xây dựng cuộc sống gia đình bền vững và hạnh phúc, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Theo thống kê của ngành y tế, mỗi năm nước ta có hàng chục nghìn trẻ sinh ra mắc bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh. Nhiều cặp vợ chồng tưởng như khỏe mạnh nhưng mang gen bệnh lặn, không được phát hiện sớm nên sinh con mắc bệnh di truyền hoặc dị tật.
Tư vấn cho một trường hợp hiếm muộn sau hôn nhân tại BVĐK tỉnh. Ảnh: M.H
Các chuyên gia y tế cho biết, phần lớn những trường hợp này có thể phòng tránh được nếu các cặp đôi quan tâm đến việc tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thanh niên vẫn chưa thực sự hiểu rõ lợi ích và ý nghĩa của vấn đề này.
Theo bác sĩ CKII Nguyễn Hữu Tiến, phụ trách Khoa Hỗ trợ sinh sản (BVĐK tỉnh), nguyên nhân khiến giới trẻ chưa chủ động đi khám sức khỏe trước hôn nhân là do còn e ngại. Thậm chí, nhiều người chủ quan cho rằng, mình không có bệnh nên không cần đi khám. Một số khác lại lo sợ nếu phát hiện ra bệnh, có thể là những bệnh mang tính chất di truyền thì không thể kết hôn. Thực tế cho thấy tại khoa Phụ sản và khoa Hỗ trợ sinh sản, không hiếm cặp vợ chồng sau khi kết hôn đã gặp vấn đề về sức khỏe sinh sản như hiếm muộn, mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục…
Các bác sĩ sản khoa khẳng định khám sức khỏe tiền hôn nhân rất cần thiết. Tuy vậy, hiện nhiều bạn trẻ nếu có đi khám tiền hôn nhân cũng chỉ quan tâm đến việc mình sẽ sinh con thế nào chứ không phải để phát hiện có mang bệnh hay mang gen bệnh hay không.
Từ năm 2013, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế) đã phối hợp với các địa phương triển khai mô hình “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân” trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên đến nay, số lượng người trẻ đi khám tiền hôn nhân vẫn còn rất khiêm tốn. Tại Bình Định, thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế) cho thấy, năm 2023 trong chỉ tiêu thực hiện hoạt động nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn tại các xã có triển khai can thiệp đạt khoảng 25%. Tỷ lệ này còn thấp và cách xa so với mục tiêu mà Nghị quyết 21- NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra.
Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do nhận thức của thanh niên về vấn đề này còn thấp. Hơn nữa, đa phần lớp trẻ thường ngại, ít chịu chia sẻ chuyện “khó nói”, chưa nói đến khám sức khỏe. Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân chưa có sự ràng buộc mang tính pháp lý nên tỷ lệ nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn tham gia chưa nhiều. Trong khi đó, đối tượng được miễn phí trong tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh được thu hẹp; công tác xã hội hóa chưa được triển khai mạnh mẽ.
Ngoài ra, việc tổ chức khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn chỉ dừng lại ở tư vấn tổng quát và khám tổng quát, thực hiện cận lâm sàng đơn thuần công thức máu hoặc chụp X quang phổi.
Thực tế cho thấy, để phá vỡ “phòng tuyến” của lớp trẻ về vấn đề này không phải là chuyện dễ dàng. Bởi vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” ngay từ cơ sở.
Đối tượng tiếp cận tuyên truyền cũng nên được mở rộng đến trẻ vị thành niên để các em sớm nhận thức được tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Kèm theo đó, hình thức, nội dung tuyên truyền cũng cần được thực hiện một cách phong phú qua các buổi nói chuyện chuyên đề, trực tiếp tại hộ gia đình, nhà trường…
Theo ông Quang, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chủ động phối hợp với Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, Hội Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Bình Định, Sở GD&ĐT duy trì 2 CLB “Giáo dục tình dục toàn diện cho vị thành niên, thanh niên” tại các trường THCS Lê Lợi, THPT Nguyễn Thái Học. Đồng thời năm 2023 ra mắt thêm 3 CLB tại trường học ở địa bàn Quy Nhơn gồm THCS Lê Hồng Phong, THPT Trần Cao Vân và THPT Trưng Vương. Các TTYT tuyến huyện xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, cho các đối tượng chủ yếu là nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn và học sinh ở các trường THPT tại địa phương; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các trạm y tế tuyến xã phối hợp với bộ phận tư pháp xã, các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương tổ chức truyền thông, tư vấn cho các cặp nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn.
HOÀNG ANH