Chủ tịch nước: Các tòa án phải nâng cao chất lượng xét xử
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao chiều 24.12 tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ.
Chiều 24.12, tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự và phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tòa án nhân dân tối cao. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; lãnh đạo một số ban, bộ, ngành; lãnh đạo TP Đà Nẵng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, điểm cầu chính tại TP Đà Nẵng và gần 800 điểm cầu tại các địa phương. Phát biểu tại hội nghị, đánh giá cao Tòa án nhân dân tối cao và toàn ngành Tòa án nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Chủ tịch nước đề nghị ngành đẩy mạnh việc công khai bản án, quyết định của tòa án làm cơ sở để Nhân dân và các cơ quan liên quan giám sát hoạt động của tòa án, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào công lý và công bằng xã hội.
Chủ tịch nước phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, năm 2023, ngành Tòa án đã thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt nhiều kết quả tích cực và đã được Quốc hội đánh giá cao.
Theo báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao tại hội nghị, năm 2023, ngành Tòa án đã nỗ lực hoàn thành đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Tỷ lệ giải quyết, xét xử các loại vụ án; công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tố tụng đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; việc giải quyết đảm bảo đúng pháp luật. Với sự hỗ trợ và triển khai tích cực của các Tòa án, Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án đã dần đi vào cuộc sống, qua đó xã hội hóa nguồn lực để giải quyết các tranh chấp trong nhân dân, góp phần giảm áp lực công việc đối với các Tòa án. Sự tham gia của TAND nói chung mà đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao nói riêng vào công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật rất tích cực, hiệu quả.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, năm 2023, tòa án các cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đội ngũ cán bộ, thẩm phán không ngừng tiến bộ, trưởng thành, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ. Chất lượng, hiệu quả công tác xét xử của các tòa án được nâng lên, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, công tác xét xử có nhiều chuyển biến tích cực; tỷ lệ giải quyết các vụ án đạt cao; tranh tụng tại phiên tòa được mở rộng, thực chất, hiệu quả hơn... Tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan thấp hơn năm trước, đạt và vượt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Ngành cũng đã tổ chức xét xử thành công nhiều vụ án tham nhũng lớn, các vụ án thuộc diện BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, được xét xử đúng tiến độ, nghiêm minh. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật được đẩy mạnh, chuyển biến tích cực...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch nước, ngành vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; vẫn còn một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định do nguyên nhân chủ quan; năng lực, trách nhiệm, phẩm chất của một số cán bộ còn yếu, cá biệt có cán bộ vi phạm pháp luật...; việc tổ chức thi hành án tử hình chậm, số bị án tử hình cần phải thi hành còn thấp. Do đó, Chủ tịch nước đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cầu thị nghiêm túc đánh giá, nhìn nhận, rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp, khắc phục, cho được những hạn chế, thiếu sót vừa nêu.
Chủ tịch nước nêu bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có những thời cơ, thuận lợi, nhưng có cả những thác thức đối với hoạt động xét xử của tòa án. Trong khi đó, yêu cầu của xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách tư pháp đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa hiệu quả và chất lượng hoạt động tư pháp, trong đó hoạt động xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá. Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành, Chủ tịch nước cũng gợi mở một số vấn đề để ngành nghiên cứu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Cụ thể là tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chú trọng đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của toà án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; bảo đảm thực chất tính độc lập của hai cấp xét xử.
Cùng với đó, ngành tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục. Chủ tịch nước nhấn mạnh: Uy tín của Tòa án là uy tín của Đảng, Nhà nước và chế độ, là niềm tin của người dân đối công lý, công bằng xã hội. Mỗi bản án được tuyên phải thực sự làm cho mọi người "tâm phục, khẩu phục", khuất phục được tội phạm, thuyết phục được các bên, xã hội đồng tình; có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, góp phần xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương.
Vì thế, theo Chủ tịch nước, nhiệm vụ quan trọng nhất của các tòa án là phải nâng cao chất lượng xét xử; chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; hạn chế thấp nhất các bản án bị huỷ, bị sửa do lỗi chủ quan của thẩm phán. Phải nâng cao chất lượng, tính chính xác, tính khả thi, các phán quyết của tòa án, nhất là việc áp dụng các hình phạt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động nghiệp vụ.
Chủ tịch nước đề nghị, khi phát hiện sai sót phải thành tâm nhận khuyết điểm, khẩn trương, kiên quyết khắc phục, sửa chữa để bảo vệ quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân, đó cũng là cách để nâng cao uy tín của tòa án.
Chủ tịch nước đề nghị, quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế phải nghiên cứu, đánh giá, quyết định hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo; có hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn; khoan hồng với người làm công ăn lương, phạm tội lần đầu, khai báo thành khẩn; chú trọng và thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản của tổ chức, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại.
Chủ tịch nước cũng đề nghị ngành Tòa án tập trung xây dựng thể chế, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Hoàn thiện dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật được phân công chủ trì bảo đảm tiến độ, chất lượng; không để bị tác động, chi phối hoặc lồng ghép lợi ích cục bộ trong xây dựng pháp luật.
Tòa án nhân dân tối cao chủ động phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, tham mưu, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định đơn xin ân giảm hình phạt tử hình. Sớm tiến hành thi hành án tử hình khi đã đủ điều kiện. Hạn chế thấp nhất tình trạng tồn đọng hồ sơ xin ân giảm hình phạt tử hình và thi hành án tử hình hiện nay. Tham mưu cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhân ngày lễ, sự kiện lớn của đất nước hoặc trường hợp đặc biệt. Đây là việc làm nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người bị kết án phạt tù theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Chủ tịch nước lưu ý, mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, phải hết sức coi trọng, ưu tiên hàng đầu việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ thẩm phán thực sự ”phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
Ngành cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các đoàn thể trong ngành Tòa án thực sự trong sạch, vững mạnh. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của tòa án, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong mỗi cơ quan tòa án. Thực hiện nghiêm quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Chia sẻ với những khó khăn của ngành Tòa án, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ghi nhận những kiến nghị của ngành về nhu cầu nhân lực, cơ sở vật chất và chế độ, chính sách và sẽ có ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu giải quyết.
Nhân dịp này, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật phối hợp công bố bộ sách Lịch sử Toà án nhân dân Việt Nam.
Theo Vũ Dũng - Đình Thiệu (VOV)