Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014: Rối như tơ vò!
Thời điểm này, các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) đã nhập học đối với thí sinh trúng tuyển nguyện vọng (NV) 1 và nhận hồ sơ xét tuyển NV2. Tuy nhiên, với sai sót về xác định ưu tiên khu vực (KV) nên rất nhiều thí sinh từ đậu thành rớt và từ rớt thành đậu. Trong khi đó, nhiều trường cũng không tuân thủ Quy chế tuyển sinh nên việc xét tuyển NV2 “rối như tơ vò”.
Nhiều trường xé rào
Theo Quy chế tuyển sinh, thời điểm xét tuyển NV2 bắt đầu từ ngày 20.8 và kết thúc ngày 31.10 (trường ĐH) và 15.11 (trường CĐ), mỗi đợt xét tuyển 20 ngày. Thí sinh không trúng tuyển NV1 (nhưng đạt mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT) được cấp 3 giấy chứng nhận kết quả thi để tham gia xét tuyển NV2. Quy định là vậy nhưng thực tế các trường có nhiều cách lách luật.
Hệ CĐ của Trường ĐH Y Dược TPHCM không tổ chức thi nhưng xét tuyển kết quả thi ĐH. Tuy nhiên, trường này thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển hệ CĐ từ ngày 25.8 đến hết ngày 29.8. Trong khi đó, điểm NV1 hệ CĐ của trường vẫn chưa công bố. Không chỉ vậy, trường này chỉ in cho thí sinh đăng ký NV1 vào hệ CĐ 2 giấy chứng nhận kết quả thi. Trong khi theo quy chế, trường phải công bố điểm NV1 hệ CĐ, sau đó những thí sinh không đậu NV1 thì trường phải in 3 giấy chứng nhận kết quả thi để thí sinh tham gia xét tuyển NV2.
Trong khi đó, nhiều thí sinh mượn Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai thi để lấy kết quả vào các trường khác không tổ chức thi phải “cười ra nước mắt” khi được nhà trường cấp luôn giấy báo nhập học. Cụ thể, thí sinh Trần Nguyễn Hoàng Nam mượn thi vào Trường CĐ Y tế Đồng Nai nhưng Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cấp luôn giấy báo trúng tuyển vào ngành Công nghệ kỹ thuật hóa học.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành lại thông báo nhận hồ sơ xét tuyển NV2 từ ngày 10 đến ngày 30-8. Không chỉ vậy, ngày 21.8, sau khi phụ huynh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, cán bộ tư vấn tuyển sinh lại tư vấn ngày 26.8 mời phụ huynh đến đóng tiền làm thủ tục nhập học.
Trong khi đó, Trường ĐH Sư phạm TPHCM lại thông báo kết thúc thời hạn nhận hồ sơ xét tuyển NV2 trước thời hạn quy định đến 7 ngày. Theo hội đồng tuyển sinh nhà trường, thời hạn xét tuyển NV2 của trường từ ngày 20.8 và kết thúc ngày 3.9.
Ngoài ra, rất nhiều thí sinh rớt NV1 cũng bị các trường xác định sai điểm ưu tiên đối tượng và ưu tiên khu vực nên rất vất vả khi xin điều chỉnh lại điểm ưu tiên này. Tuy nhiên, chỉ thí sinh nào đến trực tiếp Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT mới được hỗ trợ và các trường mới điều chỉnh.
Ngoài ra, nhiều trường cũng tranh thủ giành giật thí sinh bằng cách không cấp giấy chứng nhận kết quả thi mà tự chuyển thí sinh xuống hệ CĐ hoặc CĐ nghề và cấp giấy báo trúng tuyển.
Bi hài đậu thành rớt, rớt thành đậu
Được hưởng 1,5 điểm ưu tiên nhưng vì sai sót của nhà trường nên thí sinh Trần Quang Hải (thuộc xã Bình Sơn, huyện Long Thành, Đồng Nai) thi khối A1 vào ngành Kinh tế xây dựng, Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM chỉ được cộng 1 điểm ưu tiên. Trong giấy báo dự thi của Trần Quang Hải, trường ghi rõ là thí sinh được “hưởng khu vực 1” vì xã Bình Sơn thuộc diện khó khăn của tỉnh Đồng Nai. Theo quy chế, thí sinh này được cộng thêm 1,5 điểm. Tuy nhiên, theo kết quả thi Trường ĐH Giao thông vận tải TPHCM công bố, Hải được 15,5 điểm và chỉ được cộng thêm 1 điểm ưu tiên khu vực nên được tổng cộng 16,5 điểm. Khi điểm chuẩn được trường công bố thì ngành Kinh tế xây dựng lấy 17 điểm nên Hải được thông báo rớt ĐH.
Sau khi khiếu nại và bị cán bộ tuyển sinh của trường từ chối, phụ huynh Thang Thị Ngọc Thảo (mẹ của Hải) phải cầu cứu lên Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM thì phía trường mới giải quyết cho thí sinh được hưởng ưu tiên KV1.
Tương tự, ngày 19.8, ông Đinh Công Trinh ngụ tại ấp Ninh Phước, xã Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh (Tây Ninh) phụ huynh thí sinh Đinh Anh Kiệt thi khối A1 vào ngành Kỹ thuật công nghiệp Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM đạt 16 điểm đã nộp đơn xin cứu xét gửi Bộ GD-ĐT. Ông Trinh cho biết: “Theo Quyết định 447, cháu thuộc khu vực 1 (được hưởng 1,5 điểm) nhưng trường chuyển cháu xuống khu vực 2 nông thôn (được hưởng 1 điểm) nên cháu thiếu 0,5 điểm và từ đậu thành rớt”. Cùng với đơn cứu xét, ông Trinh cũng dẫn kèm các quy định để minh chứng và đề nghị trường xem xét giải quyết đúng quy định.
Ngược lại, sai sót về khu vực ưu tiên cũng khiến nhiều trường hợp “tiến thoái lưỡng nan” đậu thành rớt. Thí sinh Lê Thị Ngọc Ánh thi khối B vào ngành Công nghệ chế biến thủy sản Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM đạt 15,5 điểm và cộng thêm điểm ưu tiên khu vực 1 thành 17 điểm nên trúng tuyển. Tuy nhiên, thí sinh này đang lo âu vì theo quy định, thí sinh này thuộc khu vực 2 và chỉ được cộng 0,5 điểm nên không trúng tuyển. Thực tế thí sinh này học tại Trường THPT Lý Thường Kiệt, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận chỉ được ưu tiên khu vực 2...
Theo Thanh Hùng (SGGP)