Tăng chức danh và mức phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách:
Góp phần động viên, nâng cao chất lượng phục vụ ở cơ sở
Theo Quyết định số 84/2023/QĐ-UBND ngày 19.12.2023 của UBND tỉnh, người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ở thôn, khu phố sẽ có mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm tăng hơn, góp phần động viên lực lượng này nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ ở cơ sở.
Thêm chức danh, tăng mức hỗ trợ
Quyết định số 84/2023/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.1.2024, thay thế Quyết định số 80/2020/QĐ-UBND ngày 16.12.2020 của UBND tỉnh, quy định 19 chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách (HĐKCT) cấp xã, tăng 6 chức danh so với trước.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận Lê Thị Xuyền và Trưởng khu phố 5 Lê Văn Đây, phường Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn (thứ 2 và thứ 3 từ trái sang) làm việc với người dân sáng 26.12. Ảnh: H.THU
Đối với 13 chức danh theo Quyết định 80, tùy theo chức danh mà mức phụ cấp hằng tháng là từ 0,4 - 1,8 mức lương cơ sở. Còn theo Quyết định 84, 19 chức danh được tăng mức phụ cấp theo hướng đảm bảo tương quan hợp lý với mức lương bậc 1 của công chức cấp xã có cùng trình độ đào tạo. Cụ thể, hệ số phụ cấp hằng tháng cho người có trình độ từ đại học trở lên là 2,34; trình độ cao đẳng là 2,1; trình độ trung cấp là 1,86 mức lương cơ sở.
Theo Quyết định 80, mỗi tháng bà Lê Thị Hồng Thắm, phụ trách công tác Tuyên giáo- Dân vận của Đảng ủy xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) được hưởng mức phụ cấp 1,8 mức lương cơ sở. Khi thực hiện theo Quyết định 84, chức danh Tuyên giáo - Dân vận được tách ra riêng biệt thành hai chức danh Tuyên giáo và Dân vận.
“Theo quy định mới, tôi được hưởng theo mức phụ cấp cho người có trình độ cao đẳng là 2,1 mức lương cơ sở/tháng. Thời gian tới, nếu tôi vẫn được Đảng ủy xã giao kiêm nhiệm hai chức danh, giảm được 1 người thì được hưởng 100% mức phụ cấp kiêm nhiệm hoặc mức hỗ trợ của chức danh kiêm nhiệm theo quy định”, bà Thắm cho biết.
Bên cạnh đó, mức phụ cấp đối với người HĐKCT ở thôn, khu phố (bí thư chi bộ, trưởng thôn/khu phố, trưởng ban công tác mặt trận) được hưởng theo hệ số phụ cấp từ 1,5 - 2 lần mức lương cơ sở/người/tháng (tùy theo số lượng hộ gia đình cụ thể quy định ở thôn, khu phố).
Ông Lê Văn Đây, Trưởng khu phố 5, phường Lê Hồng Phong (TP Quy Nhơn), chia sẻ: “Tôi thấy rất vui khi phụ cấp được tăng lên, với người không có lương hưu như tôi đây là nguồn động viên đáng kể để chúng tôi nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được cấp trên và người dân giao phó”.
Còn ông Nguyễn Văn Hưng, Bí thư Chi bộ thôn Quang Hy, xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), tâm sự: “Tôi làm bí thư chi bộ thôn đã gần 30 năm. Mức phụ cấp được điều chỉnh lần này cho thấy sự quan tâm của tỉnh đối với người HĐKCT ở xã, thôn”.
Triển khai đúng quy định, phù hợp thực tế
Theo Quyết định 84, căn cứ các chức danh và số lượng người HĐKCT cấp xã được giao hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố quyết định số lượng cụ thể người HĐKCT cấp xã, bố trí số lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị hành chính cấp xã.
Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn 7, xã An Vinh (huyện An Lão) Đinh Văn Xanh hướng dẫn đại diện các hộ dân trong thôn ký bản đăng ký giao ước hưởng ứng thực hiện các phong trào thi đua năm 2024. Ảnh: H.THU
Năm 2024, toàn huyện An Lão được UBND tỉnh giao 129 người HĐKCT cấp xã, nhiều nhất trong số 3 huyện miền núi của tỉnh. Theo ông Lê Đức Thành, Trưởng Phòng Nội vụ huyện An Lão, qua rà soát số lượng, vị trí chức danh hiện có và nhu cầu, khối lượng công việc tại các địa phương, Phòng Nội vụ đề xuất UBND huyện tăng số lượng người HĐKCT tại các địa phương, nhằm phù hợp thực tế và quy định, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Theo đó, Phòng Nội vụ huyện đề xuất cụ thể: Các xã An Quang, An Nghĩa, An Toàn, An Vinh, An Dũng, An Hưng và thị trấn An Lão, mỗi đơn vị có 13 người HĐKCT (tăng 1 người/xã so với hiện tại); xã An Hòa có 14 người (tăng 2 người); xã An Trung, An Tân, mỗi đơn vị có 12 người (tăng 1 người/xã).
TP Quy Nhơn có số đơn vị hành chính cấp xã, phường và số lượng người HĐKCT nhiều nhất trong tỉnh, năm 2024 được UBND tỉnh giao 325 người ở 21 xã, phường. Phòng Nội vụ thành phố đang nghiên cứu để tham mưu, đề xuất, có thể không giao đồng đều số lượng như nhau ở mỗi xã, phường như năm 2023 mà xem xét điều chỉnh phù hợp thực tế và quy định.
Trưởng Phòng Nội vụ TP Quy Nhơn Dương Hồng Thao cho biết: “Căn cứ vào tình hình thực tế cơ sở, chúng tôi sẽ chủ động tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét, có thể có cùng đơn vị hành chính loại I, II mà xã, phường này có số lượng người HĐKCT không bằng xã, phường kia. Bởi đối với các địa bàn trọng điểm, phức tạp cần thêm người để tham gia theo dõi, giải quyết kịp thời...”.
Để thực hiện tăng mức phụ cấp, mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với người HĐKCT cấp xã, ở thôn, khu phố, còn phải trải qua nhiều bước thủ tục theo quy định. Theo ông Thái Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), UBND xã đang chờ UBND huyện hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Ngay từ đầu năm 2024, cần đưa vào dự toán ngân sách tăng phụ cấp cho người HĐKCT, bắt đầu thực hiện từ thời điểm nào còn phụ thuộc vào ngân sách cấp trên cấp bù.
“Xã Phước Lộc là một trong những địa phương có nhiều thôn nhất của huyện Tuy Phước. Nhiều người HĐKCT đang nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ ở 11 thôn của xã. Chúng tôi mong muốn cấp trên quan tâm, sớm triển khai hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện để cụ thể hóa sự quan tâm của tỉnh đến với cơ sở, đáp ứng sự mong đợi đã nhiều năm”, ông Thuận ý kiến.
HOÀI THU