10 năm thực hiện nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới giáo dục, đào tạo: Nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ÐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế”, ngành GD&ÐT Bình Ðịnh đã có những chuyển biến tích cực, tạo đà để toàn ngành quyết tâm thực hiện đầy đủ và triệt để hơn những mục tiêu của Nghị quyết này.
Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục
Để triển khai hiệu quả Nghị quyết số 29, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành kịp thời, đầy đủ các văn bản, đề án liên quan đến giáo dục, đào tạo.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29, nhiều địa phương đã quan tâm, dành kinh phí xây trường, lớp học mầm non khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy học.
- Trong ảnh: Cô và trẻ Trường Mầm non Quy Nhơn. Ảnh: N.T
Theo Sở GD&ĐT, điểm nổi bật của Bình Định trong thực hiện Nghị quyết 29 là ưu tiên phân bổ ngân sách cho ngành giáo dục tỉnh, đảm bảo mức chi hằng năm cho các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ đạt từ 18% trở lên. Hiệu quả của việc tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học giúp thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học, xóa lớp học ca ba, lớp học tạm và chuyển đổi loại hình trường mầm non dân lập, bán công sang công lập, công lập tự chủ. Về cơ bản, tỉnh không còn mô hình trường mầm non dân lập, bán công. Hiện tại, toàn tỉnh chỉ còn 2 cơ sở giáo dục mầm non dân lập là Trường Mẫu giáo SOS Quy Nhơn và Trường Mẫu giáo Trung đoàn 920 (hiện nay là Trung đoàn 925) ở huyện Phù Cát. Chế độ lương, BHXH cho giáo viên mầm non dân lập, bán công khi chuyển sang công lập đảm bảo theo quy định hiện hành.
“Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” đã dần thấm sâu đến cơ sở, trong mọi mặt của đời sống xã hội. Chính vì vậy, tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế nhưng hệ thống trường, lớp học được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong tỉnh, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn cho biết.
Ngoài giáo dục mầm non và phổ thông, tỉnh còn có 28 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mỗi năm tuyển sinh và đào tạo hàng nghìn học viên, sinh viên. Các cơ sở không ngừng đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, bảo đảm “học đi đôi với hành”. Đến nay, 100% cơ sở đã thực hiện đánh giá về công tác kiểm định chất lượng giáo dục, giáo dục nghề nghiệp.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục
So sánh kết quả chỉ tiêu Nghị quyết 29 đề ra và chỉ tiêu trong Chương trình hành động số 20-CTr/TU mà Tỉnh ủy đã ban hành ngày 25.7.2014 để thực hiện Nghị quyết 29, một trong những kết quả đáng phấn khởi nhất chính là tỉnh Bình Định đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đúng vào năm 2015. Tuy nhiên, yêu cầu miễn học phí cho trẻ 5 tuổi trước năm 2020 theo đúng tinh thần phổ cập mà Nghị quyết yêu cầu thì không riêng Bình Định mà cả nước vẫn chưa thể làm được.
Còn lại, đa số mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết 29 và Chương trình hành động số 20 đều được hoàn thành, qua đó góp phần duy trì vững chắc thành quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.
Toàn tỉnh hiện có 415/626 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 66,3% (tăng 125 trường so với năm học 2013 - 2014). Đến nay, 11/11 huyện, thị xã, thành phố, 159/159 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Số giáo viên đạt chuẩn trình độ chuyên môn theo Luật Giáo dục năm 2019 đạt tỷ lệ 88,5%. Tỷ lệ người lao động qua đào tạo nghề có việc làm đạt 75%...
Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, Tỉnh ủy yêu cầu trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh cần tiếp tục đổi mới, kiên quyết khắc phục bệnh thành tích.
Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên để sắp xếp, bố trí hợp lý, giải quyết căn cơ tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên. Chú trọng công tác đào tạo chuẩn hóa, nâng chuẩn, đào tạo lại cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, đặc biệt là thu hút cán bộ, giáo viên giỏi về công tác tại các cơ quan quản lý nhà nước, quản lý giáo dục.
Các địa phương tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống trường lớp, trang thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, ưu tiên vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đa đạng hóa các loại hình đào tạo, khuyến khích phát triển các cơ sở đào tạo ngoài công lập. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài; thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời...
NGỌC TÚ