Kết nối tiêu thụ sản phẩm miền núi qua nền tảng thương mại điện tử
Từ ngày 19 - 28.12, Sở Công Thương tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, quảng bá gian hàng tại các sự kiện thương mại và thực hiện gian hàng trực tuyến sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, hỗ trợ quảng bá các sản phẩm OCOP của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Ðịnh với các doanh nghiệp phân phối, người tiêu dùng của các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sở Công Thương đã hỗ trợ 26 đơn vị là DN, HTX, cơ sở ở các huyện miền núi tiến hành đưa sản phẩm lên website ketnoicungcau.vn do Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thực hiện, kết nối với 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đó là các sản phẩm: Dầu phụng, dầu mè bà Cũ (huyện Vĩnh Thạnh); tré chua, nem chả, bánh hỏi khô, bánh canh khô, bánh tráng, dầu phụng, dầu mè, nón lá, bánh ít lá gai, đông trùng hạ thảo (huyện Tây Sơn); chè cà dây leo, chè dây, mật ong, tinh bột nghệ, cam sành, sản phẩm đan lát, bưởi da xanh, trái sả rừng, đồ gỗ mỹ nghệ, thịt heo, thịt bò (huyện An Lão); trà tía tô, trà đinh lăng, mặt nạ bột sâm, mật ong (huyện Vân Canh). Nhiều sản phẩm mới lần đầu xuất hiện như: Đồ gỗ mỹ nghệ Lộc Bình, cam sành (huyện An Lão); sản phẩm đan đát của người H’rê và Bana, rượu cần truyền thống của người H’rê và Bana, cá điêu hồng (huyện Vĩnh Thạnh); nón lá Thuận Hạnh (huyện Tây Sơn)…
Từ ngày 22 - 24.12, Sở Công Thương tổ chức gian hàng giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm OCOP của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định tại Trung tâm Thương mại và Dịch vụ TOCEPO, TP Quy Nhơn. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Đinh Thị Vớp, hộ chuyên làm rượu cần truyền thống người H’rê (thôn 2, xã An Dũng, huyện An Lão), chia sẻ: Tôi làm rượu cần hơn 15 năm rồi nhưng chỉ bán trong làng, xã. Năm 2023, tôi có tham dự các hội chợ, phiên chợ của huyện và tỉnh tổ chức nhưng kết nối tiêu thụ sản phẩm chưa được nhiều. Vừa qua, Sở Công Thương và Phòng Kinh tế huyện An Lão có hỗ trợ chụp ảnh, đưa sản phẩm và thông tin lên kênh thương mại điện tử (TMĐT). Tôi rất vui vì việc này mình vốn không thể làm được. Hiện tôi mong sẽ có nhiều người biết đến sản phẩm qua kênh điện tử này, đặt hàng nhiều hơn.
Không chỉ bà Vớp, nhiều sản phẩm của các cá nhân, cơ sở ở các huyện miền núi chưa thể tiếp cận được nền tảng kinh doanh hiện đại. Với sự hỗ trợ của sở, ngành, địa phương, các đơn vị đã tạo gian hàng qua các kênh TMĐT để giới thiệu sản phẩm. Đồng thời, các cá nhân, cơ sở còn được hỗ trợ khâu làm hình ảnh, viết nội dung giới thiệu, quảng cáo, mở tài khoản, tạo mã QR…
Ông Bùi Ngọc Thanh (làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh) cho hay: Thời gian qua, hộ gia đình tôi đã thường xuyên kết hợp trên các nền tảng số, đặc biệt là Facebook và Zalo đến các fanpage bán các sản phẩm nông sản như: Ớt bay, dâu tây, đu đủ, bí đỏ, măng tây… Khi triển khai việc truyền thông trên các nền tảng số, tôi thấy sự tiếp cận của người tiêu dùng được dễ dàng hơn. Qua đó, tôi cũng quảng bá sản phẩm được trồng theo hướng an toàn. Tuy nhiên, khó khăn của tôi là không có kiến thức về công nghệ nên việc khai thác nền tảng số chưa hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ đợt này, tôi mạnh dạn tiếp tục quảng bá sản phẩm của mình qua các kênh TMĐT khác ở trong và ngoài tỉnh.
Thực tế, việc kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi qua các nền tảng TMĐT mới chỉ dừng ở việc quảng bá nên giá trị bán hàng còn thấp.
Ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Năm qua, Sở thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo về TMĐT cho bà con tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, tăng cường phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức, khuyến khích người dân sử dụng TMĐT qua kênh phienchomiennui.vietlao.vn. Ngoài ra, để hỗ trợ TMĐT phát triển tốt hơn, Sở còn tập huấn, hướng dẫn các đơn vị ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển các giải pháp về bán hàng online, thanh toán điện tử và vận chuyển hàng hóa dưới sự hướng dẫn của chuyên gia, sàn TMĐT. Mục tiêu sắp tới, các sản phẩm ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phải hoàn thiện nâng cao chất lượng sản phẩm như: Đăng ký cấp giấy phép lưu hành, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và đăng ký bảo hộ theo quy định. Từ đó, giúp các cá nhân, hộ kinh doanh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiêu thụ hiệu quả nông sản.
HẢI YẾN