Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Ðịnh: Nâng cao chất lượng, hướng đến thực chất
Sau 5 năm triển khai, Ðề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Bình Ðịnh giai đoạn 2019 - 2025 đã lan tỏa và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng. Tuy nhiên, kết quả chưa được như kỳ vọng.
TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN, đánh giá: Việc phối hợp triển khai các hoạt động của Đề án còn rời rạc, trùng lặp, chưa phát huy mạnh mẽ công tác hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo (KN-ĐMST). Chưa có chính sách hỗ trợ để chủ các ý tưởng, dự án đoạt giải có thể phát triển thành DN. Chất lượng các ý tưởng dự án KN còn thấp, chưa có những ý tưởng, dự án DN mang tính đột phá. Việc huy động và kết nối các nguồn lực trong, ngoài tỉnh để hỗ trợ hiệu quả cho KN-ĐMST còn khiêm tốn.
Để giải quyết các bất cập đó, Sở KH&CN (đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện Đề án) đã tổ chức hội thảo góp ý kế hoạch thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hệ sinh thái KN-ĐMST tỉnh năm 2024. Qua hội thảo, các chuyên gia, founder, đại diện các startup, DN đã có nhiều ý kiến đóng góp hữu ích.
Ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn KN-ĐMST quốc gia, nhận xét: Bình Định là một trong những địa phương điển hình trong cả nước triển khai chương trình ươm tạo, cố vấn tăng tốc nâng cao cho các dự án ý tưởng KN để hình thành các startup từ nguồn lực nhà nước. Đồng thời, hình thành cộng đồng các cố vấn KN được đào tạo bài bản, cam kết đồng hành với các DN khởi nghiệp trên tinh thần tự nguyện, gắn kết. Tuy nhiên, số lượng DN KN-ĐMST của tỉnh thời gian qua phần lớn là các dự án KN đi lên từ các ngành, nghề truyền thống đang định hướng mô hình kinh doanh ĐMST, nâng cao giá trị thương hiệu, chưa có các dự án KN dựa vào nền tảng KH&CN. Đây là một cản lực, cần nhiều thời gian để bứt phá.
Dự án Trà Dung được Ban tổ chức chương trình ươm tạo và tăng tốc năm 2023 tuyển chọn thuyết trình kêu gọi vốn đầu tư. Ảnh: TRỌNG LỢI
Để hệ sinh thái KN-ĐMST của tỉnh đi vào thực chất, ông Hùng đề xuất trong năm 2024, Sở KH&CN cần thành lập ba “hạt nhân” KN-ĐMST để hỗ trợ, thúc đẩy các thành tố khác của hệ sinh thái phát triển, gồm: CLB đổi mới sáng tạo, tập hợp các bạn trẻ tham gia KN trong tỉnh thời gian qua để sinh hoạt, trao đổi, nâng cao chuyên môn. CLB mentor (nhà tư vấn) đồng hành, cố vấn để các dự án KN phát triển, giai đoạn đầu mời thêm một số chuyên gia cố vấn ở các tỉnh lân cận, như Quảng Ngãi, Phú Yên và thành viên Hội đồng cố vấn KN-ĐMST quốc gia tham gia vào CLB để chia sẻ các kinh nghiệm, nâng cao năng lực cho cố vấn địa phương. CLB nhà đầu tư thiên thần, là thành viên đến từ các hội doanh nhân trong, ngoài tỉnh.
Ở khía cạnh khác, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo KN Sông Hàn (SHi), nhìn nhận: Hệ sinh thái KN-ĐMST của Bình Định đang gặp phải rào cản ở nhận thức, năng lực và nguồn lực. Do vậy, hệ sinh thái KN-ĐMST ở tỉnh thời gian qua chưa đủ mạnh, tạo sức bật mới để phát triển hiệu quả. Do đó, tôi nghĩ địa phương nên xem KN-ĐMST là hạt nhân quan trọng thúc đẩy liên kết các nguồn lực, thúc đẩy nền kinh tế tri thức của tỉnh phát triển. Từ đó, cho ra đời nhiều dự án, nhiệm vụ, sản phẩm KH&CN chất lượng cao và có thể thương mại hóa, tạo động lực cho KT-XH phát triển.
Để giải quyết tốt yêu cầu này, ông Quân kiến nghị các ngành, địa phương chung tay xây dựng, phát triển hệ sinh thái KN-ĐMST, không xem đây là nhiệm vụ của Sở KH&CN. Bởi, bản chất hệ sinh thái KN-ĐMST là hạ tầng tri thức, nhà nước và các tổ chức liên quan cần đầu tư liên tục và đồng bộ ở giai đoạn đầu. Nếu các đơn vị kết nối, xây dựng được các nguồn lực chất lượng cao sẽ hình thành nền tảng tốt để giúp các cá nhân, DN phát triển. Mặt khác, nhà nước cần có cơ chế, chính sách thu hút các doanh nhân, nhà đầu tư, tập đoàn DN, tổ chức quốc tế để chung tay cùng phát triển hệ sinh thái KN-ĐMST.
Chung quan điểm, bà Dương Tường Nhi, Trưởng Làng tư duy thiết kế (Techfest Việt Nam), cho biết thêm: Hầu hết, các nền kinh tế đòi hỏi sự ĐMST, do đó, hệ sinh thái KN-ĐMST Bình Định cần sự tham gia tích cực hơn của các sở, ngành, tổ chức chính trị, xã hội. Đồng thời, cần thiết lập văn hóa cộng tác, đồng sáng tạo thông qua các chương trình được thiết kế thúc đẩy mọi người cùng tham gia triển khai. Thông qua các chương trình này có thể tìm ra những người có khả năng lãnh đạo cộng đồng, có nhiều sáng kiến, có khả năng định hướng, sự ảnh hưởng để kết nối. Dựa trên tài nguyên, tiềm năng và nguồn nhân lực của tỉnh, các đơn vị liên quan cần nghiên cứu thị trường ở mức độ sâu để sáng tạo ra các nhu cầu mới, sản phẩm mới.
Theo TS Lê Công Nhường, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, founder, đại diện các startup, DN là những “kế sách” thiết thực để đơn vị và các ngành, địa phương trong tỉnh nâng cao chất lượng, hiện thực hóa các mục tiêu đã đặt ra trong đề án.
Qua 5 năm thực hiện đề án hỗ trợ hệ sinh thái KN-ĐMST tỉnh giai đoạn 2019 - 2025, đã đào tạo hơn 1.500 lượt người tham dự, đạt 150% kế hoạch (chỉ tiêu đề ra hơn 1.000 lượt cá nhân, doanh nhân). Đồng thời, đã ươm tạo 66 ý tưởng, cố vấn tăng tốc cho 5 DN KN, đạt 71% kế hoạch (chỉ tiêu 100 ý tưởng). Có 31 nhà tư vấn tham gia vào mạng lưới tư vấn KN tại tỉnh, đạt 62% kế hoạch (chỉ tiêu khoảng 50 chuyên gia tư vấn) và 13 nhà đầu tư tham gia vào mạng lưới đầu tư tại tỉnh, đạt 13% kế hoạch (chỉ tiêu khoảng 100 nhà đầu tư). Đến năm 2022, có 9 DN KN có tính chất ĐMST được đánh giá thông qua hệ thống cuộc thi, chương trình cố vấn tăng tốc đạt 36% kế hoạch (chỉ tiêu ít nhất 25 DN).
TRỌNG LỢI