Chuỗi liên kết trồng, tiêu thụ bưởi da xanh phát triển tốt
Nhờ liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm theo chuỗi giá trị, nhiều mô hình sản xuất bưởi da xanh ở huyện Hoài Ân đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho cả nông dân, hợp tác xã, DN.
Mới tham gia tổ hội nghề nghiệp trồng bưởi da xanh, ông Võ Ngọc Thuận ở xã Ân Mỹ, huyện Hoài Ân, đã nhận được những lợi ích rõ rệt: Năng suất bưởi da xanh tăng gấp rưỡi, chi phí sản xuất giảm gần một phần ba và giá bán sản phẩm luôn cao hơn thị trường.
Ông Thuận cho biết, có được điều này là nhờ Hội Nông dân huyện hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tự động, được HTX Nông nghiệp thanh niên Hoài Ân hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Võ Ngọc Thuận (bên trái) tham gia mô hình sản xuất bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Ảnh: MINH KHOA
Dẫn chúng tôi thăm vườn bưởi sai trĩu quả, ông Thuận cho biết: Vườn bưởi hơn 100 cây bưởi này tôi trồng từ năm 2017, gần đây tôi chăm sóc đúng theo hướng dẫn, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật vô cơ, chủ yếu bón phân chuồng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng trái cao hơn hẳn so với trước, được HTX Nông nghiệp thanh niên Hoài Ân bao tiêu toàn bộ.
Ông Huỳnh Văn Duy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoài Ân, cho biết: Mục đích của liên kết theo chuỗi là tạo vùng nguyên liệu bưởi ổn định, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm bưởi da xanh. HTX hiện có 129 thành viên tham gia liên kết chuỗi trồng bưởi da xanh, tổng diện tích 77 ha. HTX đại diện cho hộ nông dân liên kết với các DN, thực hiện các quy trình sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. HTX cũng là người đại diện cho người nông dân mua gom bưởi và chuyển về cho DN tiêu thụ, cụ thể là các siêu thị trong và ngoài tỉnh, đây cũng là một sự liên kết bền vững từ trước tới nay. Trước đây, hầu hết bà con phải mua phân bón nợ với lãi suất cao, nhưng khi tham gia liên kết với HTX thì được mua với hình thức trả chậm, tiêu thụ bưởi xong thì trả cho HTX.
Riêng trong năm 2023, Hội Nông dân huyện Hoài Ân đã đầu tư xây dựng 3 mô hình trồng bưởi da xanh tại 2 xã Ân Đức và Ân Mỹ, có 3 hộ tham gia với diện tích 2,5 ha. Những hộ tham gia mô hình được hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, hệ thống tưới tự động… Bên cạnh đó, Hội còn cấp phân bón trị giá 148 triệu đồng cho 22 hộ tham gia phát triển dự án bưởi da xanh theo chuỗi giá trị.
Được biết, hiện Hoài Ân có hơn 1.000 hộ nông dân trồng bưởi da xanh với diện tích 675 ha, trong số đó có 405 ha/220 hộ đã được chứng nhận hợp chuẩn VietGAP. Trong quá trình sản xuất, HTX Nông nghiệp thanh niên Hoài Ân có trách nhiệm đưa ra yêu cầu về chất lượng và số lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất; là cầu nối gắn kết nông dân với DN thực hiện theo đúng thỏa thuận đã ký kết. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững giúp người dân yên tâm gắn bó với cây bưởi.
MINH KHOA