Kinh tế số Việt Nam phát triển nhanh nhất Đông Nam Á
(BĐ) - Chiều 28.12, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì phiên họp trực tuyến thứ 7 của Ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Tại đầu cầu Bình Định, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh - chủ trì phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, năm 2023, chương trình CĐS quốc gia, chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành, 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn. Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81%.
Năm 2023, tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 46 (tăng 2 bậc so với năm 2022), liên tiếp duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay. Báo cáo của Google đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (năm 2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Năm 2024, Ủy ban Quốc gia về CĐS đề ra 9 nhiệm vụ phổ cập hạ tầng số, 5 nhiệm vụ phổ cập các yếu tố nền tảng cho kinh tế số và 6 bài toán lớn về sáng tạo ứng dụng số đặt hàng các DN viễn thông, công nghệ số Việt Nam tập trung giải quyết…
Tại Bình Định, công tác CĐS của tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo đó, về chính quyền số, đến nay có 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã sử dụng hệ thống phần mềm văn phòng điện tử; thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan trong và ngoài tỉnh; ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Về kinh tế số, trong tỉnh có 204 DN cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin. Về xã hội số, toàn tỉnh có tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 78,7%; hơn 324 nghìn thuê bao internet cáp quang…
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 về CĐS của tỉnh là tiếp tục triển khai thực Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20.9.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định (khóa XX) về CĐS tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 27.4.2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh với 3 trụ cột về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số với các chỉ tiêu cụ thể.
Nguồn: BTV
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá những kết quả đạt được trong năm qua là rất đáng phấn khởi, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không được thỏa mãn, cần tiếp tục khắc phục những khó khăn, vướng mắc, thách thức trong quá trình CĐS.
Ban chỉ đạo CĐS các cấp khẩn trương ban hành kế hoạch CĐS năm 2024 và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, thực chất, sát với yêu cầu thực tiễn. Trong quá trình thực hiện phải lấy người dân, DN làm trung tâm, làm chủ thể. Huy động hiệu quả các nguồn lực tham gia CĐS, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của người dân, kết hợp với sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của thời đại. Các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc đồng bộ, tích cực, tạo nguồn lực cho CĐS; chủ động phối hợp, chia sẻ để cùng nhau tiến bộ, cùng nhau thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và DN.
TRỌNG LỢI