Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ
Khắc họa bức tranh lịch sử Nam Kỳ (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh & Omega, 2023) là tên tập sách vừa ra mắt bạn đọc của tác giả Nguyễn Quang Diệu (SN 1983 tại Tam Kỳ, Quảng Nam; hiện sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh). Sách theo dạng nghiên cứu, biên khảo, khoanh vùng một giai đoạn lịch sử ở thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX với nhiều biến động của đất nước.
Trong sách, những dữ kiện lịch sử và nhân vật một thời được tái hiện như vua Gia Long, Minh Mạng, đặc biệt là Tả quân Lê Văn Duyệt. Ông là một trong những chỉ huy chính của quân đội chúa Nguyễn Ánh trong cuộc chiến với Tây Sơn. Khi chiến tranh kết thúc và nhà Nguyễn được thành lập, ông trở thành một kinh lược đại thần phục vụ hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Ông giữ nhiều chức vụ quan trọng, trong đó có chức Tổng trấn Gia Định thành. Lê Văn Duyệt có quan điểm khá cởi mở thời bấy giờ. Với ông, ai có năng lực “sẽ được dùng cho công việc thích hợp thay vì chú trọng xét lý lịch đầu vào”. Bởi vậy, ông đưa ra quyết sách “trưng dụng những phạm nhân bị trục xuất, lưu đày từ miền Bắc và miền Trung vào Gia Định, sử dụng sức lao động của họ trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, khai quang ở Gia Định, ông còn phiên chế một phần phạm nhân vào lực lượng quân đội địa phương do ông thành lập”. Việc cai trị của ông đã góp công lớn giúp ổn định và phát triển khu vực Nam Kỳ, gia tăng sức mạnh của Gia Định thành về nhiều mặt. Lo ngại trước “quyền lực địa phương”, vua Minh Mạng đã giải thể Gia Định thành chỉ sau khoảng thời gian ngắn khi Lê Văn Duyệt mất (năm 1832).
Tập sách cũng đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như chính sách cải cách hành chính ở Nam Kỳ của vua Minh Mạng; sự xâm lấn của thực dân Pháp nửa sau thế kỷ XIX và sự nhượng bộ của triều đình Huế; chính sách cai trị và bộ máy hành chính của Pháp; đời sống con người Sài Gòn xưa trước sự đô hộ của Pháp và những ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới vào đầu thế kỷ XX. Dù qua bao biến thiên, Nam Kỳ tuy không còn là trung tâm quyền lực nhưng vẫn là một thủ phủ kinh tế, trong đó, Sài Gòn là trung tâm đô thị và quyền lực của chính quyền thực dân. Đặc biệt, Sài Gòn là cái nôi của báo chí Việt Nam buổi ban đầu. Làng báo Sài Gòn đầu thế kỷ XX đã nở rộ và tạo được nhiều dấu ấn đậm nét, nhiều tri thức yêu nước đã không ngần ngại dùng ngòi bút của mình để đấu tranh chống thực dân: “Giai đoạn 1923 - 1926 chứng kiến làn sóng di cư đổ về Sài Gòn, trong số đó có nhiều trí thức Tây học và nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, những ký giả lão làng dùng ngòi bút của mình đấu tranh và tạo ra những cuộc đối đầu công khai chống chính quyền thực dân”.
Bên cạnh những nội dung được đề cập, sách còn cung cấp gần 150 tranh/ảnh quý giá về Nam Kỳ một thuở. Nhiều bức ảnh lần đầu được công bố đã cho người đọc thêm góc nhìn về đời sống, lịch sử của đất và người Nam Kỳ. Tập sách được trình bày mạch lạc, chỉn chu với những cứ liệu lịch sử rõ ràng, sẽ là một kênh tham khảo đáng tin cậy cho độc giả muốn tìm hiểu về lịch sử Nam Kỳ trong tiến trình lịch sử dân tộc.
NGÔ PHONG