Mỏng. Sâu. Những lát cắt…
Bật gốc (NXB Thanh niên, 2023) là tập bình luận của nhà báo Ðại Dương vừa ra mắt bạn đọc. Sách gồm 99 bài bình luận chọn lọc từ chuyên mục bình luận Chuyện hôm nay của báo in Tiền Phong trong bốn năm, từ 2020 đến 2023. Ở đó, mỗi bài viết là một lát cắt từ đời sống, sự kiện đang diễn ra nóng hổi, để từ đó bật lên biết bao thông điệp.
Tôi lặng đi một lúc lâu, khi đọc bài bình luận Khế ước trả bằng mạng sống về vấn nạn cho vay nặng lãi. Tín dụng đen, những app cho vay với lãi suất cắt cổ cả 1.000%/năm đã hủy hoại không biết bao nhiêu con người, làm tan nát không biết bao mái ấm gia đình. Ấy thế, vấn nạn ấy vẫn cứ tồn tại suốt nhiều năm nay, chẳng thể dập tắt. Ở bài viết, từ sự việc một người đàn ông tại TP Hồ Chí Minh phải gieo mình xuống sông để thoát khỏi sự truy bức của những “đối tác” đòi nợ thuê, nhà báo Đại Dương lần nữa lên án vấn nạn này, đồng thời thẳng thắn vạch ra những lỗ hổng trong cơ chế quản lý đã vô tình dung dưỡng cho cái xấu, cái ác tồn tại: “Cái chết của nạn nhân kể trên là tiếng chuông cảnh báo về vòi bạch tuộc của hoạt động cho vay nặng lãi đang len lỏi vào từng ngõ ngách và ngày càng siết chặt người dân nghèo. Những khế ước cho vay tiền nhưng phải trả bằng mạng sống chưa biết đến khi nào chấm dứt nếu Nhà nước không sớm ra tay ngăn chặn”.
Hầu như, mỗi bài viết của tác giả đều xoáy vào cái lõi tâm của vấn đề, đặt ra những câu hỏi nhức nhối khiến người đọc quặn lòng. Từng lát cắt nhỏ. Nhưng sâu. Từ những dòng sự kiện, Đại Dương lẩy bật ra nhiều vấn đề buộc ta phải ngẫm ngợi suy tư. Không ít lần, đọc xong một bài bình luận của anh, tôi như khựng lại, trầm ngâm. Nỗi đời, thân phận cứ hiện lên đau đớn không chút phấn son. Đọc lại bài bình luận Bật gốc của anh, một khoảng lặng như thêm giãn nở vì thực trạng quá đớn đau đang hiện diện ở các vùng nông thôn. Sự thiếu vắng đầu tư, phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, nghề nghiệp mang tính bền vững cho người lao động ở các vùng nông thôn đã tạo nên những cuộc di cư vào thành thị với những phiêu phỏng kiếm tìm lối sáng cho tương lai. Nhưng cuộc sống phố thị chẳng hề dễ dàng. Khi gặp rủi ro, thất nghiệp, dòng người này hoặc lạc lối hoặc dắt díu nhau quay trở về chốn cũ. Nhưng quê hương chỉ còn là những căn nhà trống hoác với người già và trẻ em, ruộng đồng bỏ hoang xơ xác... không đủ để đảm bảo cuộc sống. Nhà báo xót xa: “Không chỉ bị bật khỏi các nhà máy, xí nghiệp, những người lao động nghèo lam lũ còn bị bật gốc khỏi mảnh đất, quê hương xứ sở của mình, và đây mới là điều đau đớn nhất”.
Để có thể viết những bài bình luận ấn tượng, “ghim” vào lòng bạn đọc, thực sự khó. Đòi hỏi người viết phải biết chắt lọc, cô đọng, vừa thể hiện bằng ngôn ngữ chính luận vừa phải thấm đẫm hơi thở cuộc sống và mang thông điệp rõ ràng. Nhưng từ tập sách này, không ít bài viết của nhà báo Đại Dương đã làm được điều đó. Khi đọc tập Bật gốc, nhà báo Lê Minh Toản, Phó Tổng biên tập, Tổng TKTS báo Tiền Phong nhận định: “Nó không phải, chưa phải là những tác phẩm xuất sắc của Đại Dương trong suốt 30 năm làm báo, nhưng đó lại là lát cắt đắt nhất của một thời đoạn khủng khiếp nhất mà nhân loại đã trải qua. Đại dịch Covid-19. Chọn điểm rơi này là sự khôn ngoan, thông minh của người cầm bút, bởi khi xoáy sâu vào nó, bạn đọc cảm được nhân tình thế thái, thấu được những giá trị mà nhân loại bấy nay xây đắp trở nên mong manh, dễ thương tổn. Thông điệp yêu thương, trách nhiệm, nghĩa vụ cứ như những đốm sáng lóe lên rồi kết tụ thành những vầng sáng trên từng bài viết hướng người ta đủ dũng khí bước về phía trước...”.
VÂN PHI